Nhà Trắng vừa thông báo Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Quyết định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 31/12/2026, thời điểm kết thúc năm tài chính tiếp theo sau thông báo, theo quy định của UNESCO.
Phó phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Anna Kelly, cho biết: “Tổng thống Trump luôn ưu tiên nước Mỹ và đảm bảo sự tham gia của Mỹ vào mọi tổ chức quốc tế phải phù hợp với lợi ích quốc gia”.
Trước đó, vào tháng 2, sau khi nhậm chức nhiệm kỳ hai, ông Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu đánh giá tư cách thành viên của Mỹ tại UNESCO trong vòng 90 ngày. Chính quyền Trump cáo buộc UNESCO “thúc đẩy các vấn đề văn hóa, xã hội gây chia rẽ, đi ngược lại chính sách mà cử tri Mỹ đã lựa chọn”.
Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ với New York Post rằng sau quá trình rà soát kéo dài ba tháng, các quan chức chính quyền đã “bày tỏ lo ngại về các chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) của UNESCO”.
Theo quan chức này, một trong những động thái của UNESCO liên quan đến chính sách DEI khiến Mỹ không hài lòng là việc tổ chức này công bố “bộ công cụ phòng chống phân biệt chủng tộc” vào năm 2023 và sáng kiến “thay đổi tư duy của đàn ông” vào năm 2024.
Bộ công cụ của UNESCO kêu gọi các quốc gia thành viên tự đánh giá và ban hành chính sách chống phân biệt chủng tộc, đồng thời tham gia vào “cuộc đua lên đỉnh” để trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc thúc đẩy công bằng xã hội. Trong khi đó, sáng kiến “thay đổi tư duy của đàn ông” đã công bố báo cáo về nỗ lực của UNESCO tại Ấn Độ nhằm định hình lại cách đàn ông nhìn nhận vấn đề giới tính.
Những chính sách này được UNESCO triển khai nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy bình đẳng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump và phe bảo thủ coi DEI là một hệ tư tưởng cánh tả, chứa đựng những nội dung không phù hợp về chủng tộc, giới tính và chính trị.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã tìm cách loại bỏ DEI khỏi bộ máy quân đội và các cơ quan chính quyền liên bang. Do đó, việc UNESCO thúc đẩy DEI bị xem là không phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Sắc lệnh hồi tháng 2 của Tổng thống Trump cũng yêu cầu các quan chức chính quyền chú trọng điều tra bất kỳ biểu hiện nào “về bài Do Thái hoặc chống Israel” của UNESCO.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc UNESCO công nhận Palestine là một quốc gia thành viên là “vấn đề gây tranh cãi nghiêm trọng, đi ngược lại các chính sách của Mỹ và góp phần thúc đẩy tâm lý bài Israel”, đồng minh của Washington ở Trung Đông.
Quan chức Nhà Trắng cho biết kết quả rà soát cho thấy UNESCO thường xuyên sử dụng ngôn từ nhấn mạnh rằng Palestine “bị Israel chiếm đóng”. Tổ chức này đã lên án Israel trong cuộc xung đột ở Dải Gaza, nhưng không chỉ trích nhóm vũ trang Hamas vì đã thực hiện cuộc tấn công vào miền nam Israel vào tháng 10/2023.
Quan hệ giữa Mỹ và UNESCO đã trở nên căng thẳng từ năm 2011, khi tổ chức này kết nạp Palestine là thành viên thứ 195. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump cũng đã quyết định rút Mỹ khỏi UNESCO vào tháng 10/2017 với lý do tổ chức này thúc đẩy tâm lý bài Do Thái.
Các quan chức UNESCO đã bác bỏ cáo buộc “bài Do Thái” từ phía Mỹ, khẳng định rằng mọi thông báo của tổ chức trong 8 năm qua đều có sự đồng thuận từ cả Israel và Palestine.
Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, cho biết tuyên bố của Mỹ không gây bất ngờ và tổ chức đã chuẩn bị cho kịch bản này. “Những cáo buộc từ Mỹ trái ngược với nỗ lực thực tế của UNESCO, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục liên quan đến Holocaust và đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái”, bà Azoulay nói.

Ngoài ra, Mỹ còn cho rằng Trung Quốc đã có ảnh hưởng đáng kể tại UNESCO, trở thành nhà tài trợ lớn nhất và đang thúc đẩy tổ chức quốc tế này hoạt động theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Côn, trong cuộc họp báo ngày 23/7, bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ. “Đây không phải là hành động mà một cường quốc có trách nhiệm nên làm”, ông Quách nói và khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ vững chắc công việc của UNESCO.
Quyết định của ông Trump đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Ngoại trưởng Israel Gideon Saar bày tỏ cảm ơn Mỹ vì đã ủng hộ nước này. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, gọi quyết định của Tổng thống Trump là “thiển cận và trao lợi thế cho Trung Quốc”.
Về những hệ lụy tiềm ẩn từ việc Mỹ rút khỏi UNESCO, bà Azoulay cho biết tổ chức đã triển khai “các cải cách lớn về cấu trúc” và đa dạng hóa nguồn tài trợ trong những năm qua nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn tiền từ Washington. Hiện tại, Washington đóng góp khoảng 8% tổng ngân sách của UNESCO, giảm từ mức khoảng 20% vào thời điểm ông Trump lần đầu tiên rút Mỹ khỏi tổ chức.
“Lúc này, tổ chức chưa cân nhắc bất kỳ động thái cắt giảm nhân sự nào”, bà Azoulay cho biết.
UNESCO được thành lập năm 1945 với mục đích thúc đẩy hòa bình trên thế giới thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông. Tổ chức này nổi tiếng nhất với việc công nhận các Di sản Thế giới. Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO bao gồm hơn 1.200 địa điểm, trong đó có 26 khu vực ở Mỹ.
Mỹ lần đầu tiên gia nhập UNESCO vào năm 1945, nhưng rút lui vào năm 1984 với cáo buộc tổ chức này quản lý tài chính yếu kém và có tư tưởng thiên vị chống Washington. Năm 2003, dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ quay trở lại vì cho rằng UNESCO đã thực hiện các cải cách cần thiết.
Mỹ rút khỏi UNESCO lần thứ hai vào cuối năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Năm 2023, Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ trở lại tổ chức, nhằm thể hiện cam kết khôi phục vai trò lãnh đạo của Washington trên trường quốc tế.
Các nguồn tin từ UNESCO cho biết Mỹ vẫn có đại diện trong Ủy ban Di sản Thế giới ngay cả sau khi chính thức rời tổ chức, tương tự như năm 2017.
“Mỹ đã và sẽ luôn được chào đón trở lại UNESCO”, bà Azoulay khẳng định.
Admin
Nguồn: VnExpress