Vy Thị Huyền Trang, cô gái 23 tuổi đến từ Lạng Sơn, vừa nhận được tin vui trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật và Quản lý Logistics của Viện Nghiên cứu sau đại học quốc tế Thanh Hoa Thâm Quyến (Tsinghua SIGS), thuộc Đại học Thanh Hoa. Ngôi trường danh tiếng này hiện đang giữ vị trí thứ 12 trên thế giới và dẫn đầu châu Á theo xếp hạng THE 2025.
“Tôi thật sự rất hạnh phúc. Sự công nhận và học bổng từ nhà trường đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều sự tự tin,” Trang chia sẻ đầy xúc động.
Trước đó, Trang từng xuất sắc giành học bổng của Chính phủ Trung Quốc cho bậc thạc sĩ tại Đại học Tài chính Kinh tế Thượng Hải và trúng tuyển vào Đại học Giao thông Thượng Hải. Đây đều là những trường đại học trọng điểm của Trung Quốc.
Hành trình chinh phục tiếng Trung của Trang bắt đầu từ năm lớp 6, khi cô trở thành người hâm mộ của nhóm nhạc nổi tiếng TF Boys. Cô cũng thường xuyên xem các chương trình giải trí và tranh biện trên truyền hình Trung Quốc.
“Ban đầu, tôi chỉ xem mà không hiểu gì cả. Nhưng dần dần, tôi quen với âm điệu và bắt đầu đoán nghĩa,” Trang kể lại.
Đến năm lớp 8, nhận thấy một số anh chị trong thôn nhờ biết tiếng Trung mà có thu nhập tốt, Trang đã thuyết phục bố mẹ cho mình theo học ngoại ngữ này.
Nhà Trang ở thôn Nà Thà, xã Yên Thạch, huyện Cao Lộc (cũ). Lớp học tiếng Trung lại ở thành phố, cách nhà khoảng 10 km, và phải đi qua quốc lộ 1A với mật độ xe cộ đông đúc. Vì vậy, Trang đã rủ thêm ba bạn trong xã cùng đi học. Tuy nhiên, chỉ sau ba buổi, lớp học chỉ còn lại một mình Trang, theo hình thức kèm 1-1 với giáo viên.
Trang chia sẻ, học phí mỗi buổi là 250.000 đồng, tổng cộng khoảng hai triệu đồng một tháng, là một khoản chi phí không nhỏ đối với gia đình cô vào thời điểm đó. Bố mẹ Trang đã phải dành dụm từ tiền bán hàng tạp hóa, trồng gừng và ớt để con gái có thể theo đuổi việc học.
Cô Hoàng Thu Hương, giáo viên tiếng Trung của Trang, nhớ lại những ngày đầu tiên đến lớp, Trang còn chưa nói sõi tiếng Việt.
“Dù thời tiết thế nào, Trang cũng luôn đến lớp đúng giờ và không bỏ buổi nào. Thậm chí có hôm bạn ấy còn ở nhà tôi học từ sáng sớm đến 3 giờ chiều,” cô Hương kể.
Theo Trang, phần khó nhất khi học tiếng Trung là viết chữ Hán vì có quá nhiều bộ thủ. Bí quyết của cô là luyện viết thật nhiều và ghi nhớ ý nghĩa của từng bộ thủ.
Những lúc trông coi cửa hàng tạp hóa cho bố mẹ, Trang tranh thủ đọc to các bài khóa trong sách, đến mức thuộc lòng, để rèn luyện sự lưu loát và phản xạ nhanh. Cô cũng thường xuyên trò chuyện với những công nhân người Trung Quốc làm việc tại xưởng lọc dầu gần nhà khi họ đến mua hàng, hoặc với những người lớn tuổi trong làng biết tiếng Trung.
Sau hai năm nỗ lực, Trang thi đỗ á khoa lớp 10 chuyên tiếng Trung của trường THPT chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn. Cô cho biết, nhiều bạn bè cùng trang lứa trong thôn đã nghỉ học để đi làm công nhân hoặc kết hôn. Bà ngoại cũng không muốn cháu gái phải đi học xa nhà, nhưng Trang quyết tâm theo đuổi con đường học vấn.
“Tôi khao khát được khám phá thế giới bên ngoài và mong muốn có một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn,” cô tâm sự.
Tại trường chuyên, Trang được tiếp xúc với nhiều bạn bè từ thành phố, có tư duy cởi mở hơn, và bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ du học. Trong ba năm học trung học, Trang đã nhiều lần giành giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Trung cấp tỉnh và từng tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.
Năm 2020, Trang nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc để theo học ngành Ngôn ngữ Trung (chuyên ngành thương mại) tại Đại học Ký Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến năm 2023 cô mới có thể sang trường học trực tiếp.
Trang nhận thấy việc học không quá áp lực nên đã dành thời gian học thêm về công nghệ thông tin, lập trình Python và tiếng Anh. Những lúc rảnh rỗi, cô tham gia nhiều sự kiện để mở rộng các mối quan hệ.

Năm thứ tư, Trang thực tập tại một công ty logistics, với nhiệm vụ tối ưu hóa quy trình chuỗi cung ứng. Khóa luận tốt nghiệp của Trang về chủ đề cải thiện hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp Trung Quốc đã đạt 92/100 điểm.
“Hội đồng đánh giá đây là một khóa luận tốt nghiệp xuất sắc,” thầy Wang Yu, giáo viên chủ nhiệm của Trang tại Đại học Ký Nam, nhận xét. Thầy cho biết thêm, Trang tốt nghiệp với điểm trung bình 4.32/5.
Thầy Yu ấn tượng với Trang bởi tinh thần dám thách thức bản thân, vượt qua giới hạn và không ngừng theo đuổi những mục tiêu cao hơn.
Vào tháng 5 năm nay, Trang đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Thanh Hoa. Trong bản kế hoạch học tập, Trang cho biết sẽ cố gắng học vững các môn lý luận chuyên ngành trong năm đầu tiên. Từ năm thứ hai, cô sẽ ôn luyện chứng chỉ SCMP (Quản lý chuỗi cung ứng chuyên nghiệp) và thực tập tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics thông minh. Ngoài ra, Trang cũng sẽ chọn các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp, tìm hiểu về chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của Đại học Thanh Hoa, trước khi tập trung hoàn thành luận văn vào năm cuối.
Mặc dù không bắt buộc, Trang vẫn trình bày rõ định hướng nghiên cứu và mục tiêu phát triển sự nghiệp của mình.
“Tôi muốn làm việc trong lĩnh vực logistics thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng ở Việt Nam, đặc biệt là tại Lạng Sơn,” cô chia sẻ.
Trong vòng phỏng vấn, Trang đã nhận được câu hỏi về lý do chuyển từ ngành Ngôn ngữ Trung sang lĩnh vực logistics. Trang giải thích rằng lĩnh vực mới có nhiều điểm phù hợp với bản thân cô. Cô cũng đã có kinh nghiệm làm việc tại các công ty liên quan, có kiến thức về AI và đã có sẵn đề xuất nghiên cứu. Cô cũng không ngần ngại chia sẻ mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Một tháng sau, Trang nhận được thư báo trúng tuyển.
Hiện tại, Trang đang ở Trung Quốc và tranh thủ thời gian để đi du lịch một số nơi trước khi chính thức bắt đầu chương trình thạc sĩ vào tháng 8.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có cơ hội được học tại Thanh Hoa, nhưng tôi không bỏ cuộc mà luôn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ở vùng quê của tôi,” Trang tâm sự.
Admin
Nguồn: VnExpress