Loạt phim điện ảnh “Thám tử lừng danh Conan” tiếp tục khẳng định sức hút bền bỉ sau gần ba thập kỷ, với phần phim thứ 28 mang tên “Dư ảnh của độc nhãn” (Detective Conan: One-Eyed Flashback) vừa thu về hơn 40 tỷ đồng chỉ sau hai ngày chiếu sớm tại Việt Nam (19 và 20/7), theo thống kê từ Box Office Vietnam. Tại thị trường Nhật Bản, tác phẩm này đã cán mốc 14,4 tỷ yen (hơn 97 triệu USD) sau 90 ngày ra mắt, vươn lên vị trí thứ 19 trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất xứ sở mặt trời mọc. Ngoài ra, dự án còn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khán giả ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và UAE.
Thành công này tiếp nối chuỗi thành tích ấn tượng của thương hiệu “Conan”. Năm ngoái, phần phim “Ngôi sao 5 cánh một triệu đô” đã giành ngôi quán quân phòng vé Nhật Bản và lọt vào top 10 phim Nhật ăn khách nhất năm với doanh thu 108 triệu USD. Trước đó, vào năm 2023, “Tàu ngầm sắt màu đen” cũng thu về 106 triệu USD.
Khởi đầu từ năm 1997 với “Quả bom chọc trời”, loạt phim điện ảnh “Conan” được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Gosho Aoyama, ra mắt lần đầu ba năm trước đó. Câu chuyện xoay quanh Shinichi Kudo, một thám tử trung học tài ba bị teo nhỏ thành cậu bé tiểu học sau khi trúng phải một loại thuốc độc. Với thân phận mới là Edogawa Conan, cậu tiếp tục phá các vụ án và truy tìm tổ chức Áo đen bí ẩn, đồng thời giữ kín thân phận thật với cô bạn gái Ran Mori.
Sự kết hợp giữa phong cách trinh thám cổ điển và bối cảnh hiện đại đã tạo nên sức hút đặc biệt cho “Conan”. Mỗi tập phim thường xoay quanh một vụ án, chủ yếu là án mạng, được giải quyết theo phong cách trinh thám tài tình. Tuyến truyện chính phát triển chậm rãi, giúp khán giả dễ dàng theo dõi mà không cần phải xem lại các phần trước. Điểm nổi bật của phim nằm ở cấu trúc điều tra chặt chẽ, lồng ghép yếu tố tâm lý, khai thác động cơ và mâu thuẫn của các nhân vật liên quan, biến mỗi vụ án không chỉ là một trò chơi suy luận đơn thuần.
Sự cân bằng giữa yếu tố giải trí và chiều sâu phá án là chìa khóa giúp “Conan” tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả ở các độ tuổi khác nhau. Dù được thực hiện bởi nhiều đạo diễn và biên kịch khác nhau, series vẫn giữ vững tinh thần xây dựng vụ án theo hướng khai thác manh mối, tạo không gian cho người xem tự suy đoán trước khi chân tướng được hé lộ. Cách tiếp cận này hấp dẫn cả khán giả đại chúng lẫn những người hâm mộ thể loại trinh thám cổ điển, những người đã từng lớn lên với các tác phẩm của Agatha Christie hay Arthur Conan Doyle.

Không chỉ dừng lại ở những vụ án nhỏ lẻ như trong truyện tranh hay phim truyền hình, các phần điện ảnh của “Conan” thường mở rộng kịch bản với những màn rượt đuổi nghẹt thở và các đại cảnh “giải cứu thành phố” hoành tráng, mang tầm vóc của một bộ phim bom tấn. Ví dụ, trong phần 25 “Nàng dâu Halloween” (2022), Conan cùng nhóm bạn phải tìm cách ngăn chặn âm mưu đánh bom một đám cưới từ một tên tội phạm xuyên quốc gia. Giới chuyên môn đánh giá cao cách xây dựng tuyến phản diện của bộ phim, tạo được sự tò mò và những cú “twist” bất ngờ, lôi cuốn khán giả cùng Conan lần theo dấu vết để truy tìm kẻ chủ mưu.
Bên cạnh nhân vật chính Conan, các tuyến nhân vật phụ cũng đóng vai trò quan trọng, mỗi người mang một câu chuyện riêng. Ran Mori là biểu tượng của lòng thủy chung và nghị lực, luôn kiên nhẫn chờ đợi người yêu dù không biết ngày trở về. Haibara Ai là một mảnh ghép đối lập với Conan, từng là thành viên của tổ chức Áo đen, mang trong mình mặc cảm và nỗi đau, nhưng dần tìm lại được lý do để sống tiếp. Nhóm thám tử nhí gồm Ayumi, Mitsuhiko và Genta mang đến màu sắc tươi sáng cho thế giới điều tra phá án. Siêu trộm Kaito Kid và thám tử Hattori Heiji cũng có những khoảnh khắc tỏa sáng, tạo được sự yêu mến nhờ chiều sâu nội tâm và những tuyến truyện riêng.
Mỗi phần phim “Conan” đều tập trung khai thác các nhân vật phụ đến từ thế giới truyện tranh của Gosho Aoyama. “Nàng dâu Halloween” giới thiệu đến khán giả nhóm F5, những cựu học viên ưu tú của học viện cảnh sát gồm Furuya Rei, Matsuda Jinpei, Hagiwara Kenji, Morofushi Hiromitsu và Date Wataru. Trong đó, Furuya Rei, hay còn được gọi là Zero, đóng vai trò quan trọng trong phần phim này. Anh cũng chính là đặc vụ ngầm được cài vào tổ chức Áo đen với mật danh Bourbon.
Trong phần 28, nhân vật mới là Morofushi Takaaki, lấy cảm hứng từ Gia Cát Lượng, sở hữu khả năng suy luận siêu phàm. Morofushi Takaaki yêu thích binh pháp Tôn Tử và làm việc cho cảnh sát tỉnh. Anh gặp Mori Kogoro khi đến núi tuyết để điều tra một vụ ám sát, và như thường lệ, Conan và Ran (con gái của Mori) cũng đi cùng ông.

Mặc dù một số người hâm mộ trên diễn đàn Reddit cho rằng các bộ phim “Conan” đôi khi mang phong cách “không tưởng” với những chi tiết phi logic phá vỡ các quy luật thực tế, nhưng chính sự vô lý này lại tạo nên nét độc đáo riêng cho thương hiệu. Không chỉ được yêu thích ở châu Á, “Conan” còn có một lượng lớn người hâm mộ ở các nước Âu Mỹ.

Theo trang AnimeAnime, sự khác biệt giữa “Conan” và các thương hiệu nổi tiếng khác của Nhật Bản như Naruto, Pokémon hay Demon Slayer nằm ở cách tiếp cận khán giả. Trong khi các bộ phim kể trên chinh phục người xem bằng cấu trúc shounen (nhắm đến độc giả là nam sinh tuổi teen), thì “Conan” lại ghi dấu ấn nhờ nội dung điều tra và hệ thống nhân vật được phát triển xuyên suốt. Sức lôi cuốn của loạt phim không đến từ những trận chiến hoành tráng hay những phân đoạn cảm động, mà từ câu hỏi: Ai là hung thủ, và làm thế nào để phá án?
Qua nhiều năm, “Conan” đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, với một bảo tàng đặt tại tỉnh Tottori, quê hương của tác giả Aoyama. Hình ảnh nhân vật xuất hiện ở khắp mọi nơi, được in trên poster, ba lô, móc khóa, khăn tắm… Ở tuổi 62, họa sĩ Gosho Aoyama vẫn miệt mài sáng tác và chưa công bố thời điểm kết thúc bộ truyện. Với đà phát triển hiện tại, hành trình của cậu bé thám tử có thể sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.
Admin
Nguồn: VnExpress