Trong buổi giới thiệu phim mới tại Hà Nội vào ngày 23/7, những nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã cùng nhau ôn lại ký ức về thời kỳ khốc liệt đó. Ông Nguyễn Văn Hợi, 77 tuổi, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo, xúc động nhớ lại những ngày đầu, tiểu đoàn của ông có 325 người, sau đó được bổ sung quân số gấp bốn lần, nhưng cuối cùng chỉ còn 39 người sống sót trở về.
Ông Hợi nghẹn ngào: “Trong 81 ngày đêm ác liệt, hơn 1.000 người con ưu tú của tiểu đoàn đã mãi mãi nằm lại nơi Thành cổ. Một tấc đất nơi Thành cổ cũng thấm đẫm máu xương đồng đội tôi”.
Ký ức đau thương nhất trong tâm trí ông là hình ảnh những người lính trẻ vượt sông Thạch Hãn để tiếp viện. Ông kể: “Có những đêm, Bộ Tư lệnh thông báo sẽ bổ sung 50-70 tân binh cho tiểu đoàn. Mỗi người lính được cấp một chiếc áo mưa để gói ghém quân tư trang và vũ khí. Chúng tôi chờ đợi từ đêm đến gần sáng, rồi thấy vài chiếc phao nổi lên trên sông. Tôi và đồng chí liên lạc mừng rỡ, định lao ra đón anh em thì pháo địch trùm lên. Giữa dòng Thạch Hãn, chỉ còn lại tiếng kêu ‘Mẹ ơi’, ‘Chị ơi’ xé lòng. Họ còn quá trẻ, thậm chí chưa kịp biết đến tình yêu là gì…”
Đại tá Đào Văn Phê, Phó trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo, nhớ lại tinh thần quyết tử của ông và đồng đội: “Khi ấy, chúng tôi đã xác định sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, những người sống sót đều là may mắn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống, không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất 30/4/1975. Ngày chiến thắng, anh em chúng tôi ôm nhau khóc nức nở: ‘Con sống rồi mẹ ơi!'”.
Nhà văn Chu Lai, người chấp bút kịch bản phim, từng là lính đặc công miền Nam, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những đồng đội đã đến xem phim và đóng góp ý kiến trong quá trình thực hiện. Ông cho biết kịch bản được viết từ năm 2010, theo gợi ý của một người bạn có người thân là liệt sĩ hy sinh tại Quảng Trị.

“Với tôi, 81 ngày đêm ở Thành cổ là một trong những trận đánh khốc liệt nhất lịch sử nhân loại,” nhà văn Chu Lai chia sẻ. “Cuộc chiến có hai giai đoạn: giai đoạn sa mạc chiến khi tòa thành bị san phẳng, các chiến sĩ quần áo rách bươm, lăn lộn trên mặt đất; và giai đoạn thủy chiến cũng vô cùng cam go. 328.000 tấn bom đạn đã dội xuống nơi đây. Có những người chết đi sống lại nhiều lần. Thi thể vừa chôn xuống lại bị bom pháo cày xới. Bộ phim, dù được đầu tư kỹ lưỡng đến đâu, cũng chỉ là một lát cắt nhỏ bé so với sự tàn khốc của chiến tranh.”

Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết chị đã tiếp cận kịch bản từ năm 2012. Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự án được phê duyệt vào năm 2023. Năm ngoái, đoàn làm phim bắt đầu xây dựng bối cảnh, tuyển chọn diễn viên và tiến hành quay. Một phim trường rộng 50 ha đã được dựng lên bên bờ sông Thạch Hãn, nơi tái hiện 85% các cảnh quay chính của bộ phim. Hàng trăm người đã làm việc cật lực để chăm chút cho từng chi tiết.

Các cảnh cháy nổ được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Thái Lan phối hợp cùng Binh chủng Công binh Việt Nam. Phân đoạn khó khăn nhất là các cảnh vượt sông. Đoàn phim đã huy động lực lượng chiến sĩ đặc công và diễn viên quần chúng. Để đảm bảo an toàn cho các cảnh quay đêm, ê-kíp đã dựng sạp dưới lòng sông.

Dàn diễn viên trẻ đầy triển vọng như Đỗ Nhật Hoàng, Hạ Anh, Steven Nguyễn, Phương Nam, Lâm Thanh Nhã, Đình Khang, Hoàng Long, Nguyễn Hùng đã được tuyển chọn từ hàng nghìn ứng viên thông qua các buổi casting tại Hà Nội và TP HCM.
Trong hai năm trở lại đây, dòng phim chiến tranh đã nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả. Vào tháng 2 năm ngoái, bộ phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã tạo nên một “cơn sốt” vé, thu về 21 tỷ đồng và hòa vốn sau ba tháng công chiếu. Theo Cục Điện ảnh, đây là một hiện tượng chưa từng có đối với các phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng và chỉ phát hành tại một số rạp nhà nước. Gần đây nhất, bộ phim “Địa đạo” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng đã thu về 172 tỷ đồng.
Admin
Nguồn: VnExpress