Đột quỵ não đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu, là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau các bệnh tim mạch và đứng đầu trong các nguyên nhân gây tàn phế ở người trưởng thành. Trên thế giới, mỗi năm có tới 12,2 triệu ca đột quỵ, tương ứng với tần suất cứ 3 giây lại có một ca.
Tại Việt Nam, theo số liệu được Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn công bố tại Hội nghị Liên minh Đột quỵ toàn cầu (GSA 2025), tỷ lệ mắc mới đột quỵ ước tính khoảng 222 ca trên 100.000 dân mỗi năm. Tỷ lệ chung hiện là 1.541 trên 100.000 dân, thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng lo ngại hơn, có tới 71% số bệnh nhân đột quỵ bị mất khả năng lao động sau quá trình điều trị. Chi phí y tế cho nhóm bệnh nhân này chiếm tới 1,12% tổng GDP toàn cầu.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, những con số này cho thấy gánh nặng y tế nghiêm trọng, tác động đến sức khỏe của từng bệnh nhân và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đòi hỏi cần nâng cao chất lượng chuyên môn và phát triển chuyên ngành đột quỵ.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong điều trị đột quỵ. Số lượng cơ sở y tế điều trị đột quỵ đã tăng từ 12 vào năm 2016 lên hơn 150 vào năm 2025. Các phương pháp điều trị hiện đại như tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đã được triển khai thường quy tại nhiều bệnh viện tỉnh và trung tâm y tế lớn. Chương trình Angels, một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, được triển khai tại Việt Nam từ năm 2017, đã góp phần chuẩn hóa quy trình chăm sóc và nâng cao hiệu quả can thiệp cấp cứu. Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai là một trong 4 trung tâm hàng đầu thế giới có số lượng chứng nhận Kim cương lớn nhất, theo tiêu chí đánh giá của Hội Đột quỵ Thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ bệnh nhân đến bệnh viện muộn, quá “thời gian vàng” để can thiệp hiệu quả, còn cao. Hệ thống cấp cứu trước viện chưa phát triển đồng bộ, thiếu các đơn vị phản ứng nhanh chuyên biệt về đột quỵ. Sự chênh lệch về năng lực điều trị giữa các vùng miền cũng là một rào cản lớn.

Để giải quyết những thách thức này, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng cần tiếp tục mở rộng mạng lưới các đơn vị đột quỵ đạt chuẩn trên toàn quốc, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá Trung tâm đột quỵ áp dụng thống nhất trên cả nước, và nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế tại tuyến cơ sở để rút ngắn thời gian phản ứng, tối ưu hóa “thời gian vàng” trong điều trị.
Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia về đột quỵ, với ba mục tiêu chính: giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và giảm tỷ lệ tàn phế do đột quỵ. Đây là một chương trình mang tính hệ thống và dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và đầu tư có trọng tâm.
Nhân dịp này, Tổ chức Đột quỵ Thế giới đã trao chứng nhận Trung tâm Đột quỵ chuyên sâu cho Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận này. PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cũng vinh dự nhận giải thưởng từ tổ chức này vì những đóng góp của ông cho lĩnh vực đột quỵ. Ông là một trong 8 bác sĩ trên toàn thế giới nhận được giải thưởng này.
Hội nghị Liên minh Đột quỵ toàn cầu (GSA 2025) có sự tham gia của các chuyên gia đột quỵ và bác sĩ từ 15 quốc gia, tập trung cập nhật các kỹ thuật can thiệp mạch não hiện đại, quy trình cấp cứu trước viện, điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Admin
Nguồn: VnExpress