Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 20, trong đó yêu cầu Hà Nội thí điểm việc loại bỏ đồ nhựa dùng một lần tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng đồ uống… thuộc khu vực vành đai 1. Kế hoạch dự kiến bắt đầu từ quý IV năm nay và sẽ được nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế của VnExpress tại nhiều quán cà phê ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình cho thấy, phần lớn vẫn sử dụng cốc nhựa hoặc giấy dùng một lần, kèm theo ống hút và thìa nhựa cho khách dùng tại chỗ. Đối với đơn hàng mang đi, bao bì thường có thêm quai xách hoặc túi nilon. Tại một quán cà phê đông khách trên phố Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy), ước tính trong 30 phút cao điểm buổi sáng có khoảng 100 cốc đồ uống được phục vụ, phần lớn đựng trong cốc nhựa.
Số lượng lớn cốc, túi nilon này góp phần vào con số 1.400 tấn rác thải nhựa mà Hà Nội thải ra mỗi ngày. Theo thống kê của UBND thành phố, 60% lượng rác thải nhựa là đồ dùng một lần và túi nilon. Đáng chú ý, chỉ có 20% trong số này được tái chế, chủ yếu tại các cơ sở nhỏ lẻ và làng nghề quanh thành phố, tập trung vào các loại chai nước, chai dầu gội, sữa tắm. Túi nilon và các loại nhựa khác hầu như bị thải bỏ ra các bãi rác.
Trên thị trường, nhựa thường được phân loại thành 7 loại khác nhau, được đánh số từ 1 đến 7 và in dưới đáy sản phẩm để nhận dạng. Cụ thể:
* PET (Polyethylene Terephthalate) – số 1: thường dùng trong chai nước, đồ uống.
* HDPE (High-Density Polyethylene) – số 2: dùng trong chai lọ sữa, dầu ăn, đồ gia dụng.
* PVC (Polyvinyl Chloride) – số 3: nhựa mềm dùng trong ống dẫn, vỏ điện thoại.
* LDPE (Low-Density Polyethylene) – số 4: ứng dụng trong túi nilon, màng bọc thực phẩm.
* PP (Polypropylene) – số 5: dùng làm hộp thực phẩm, bình sữa, cốc.
* PS (Polystyrene) – số 6: ứng dụng trong cốc, hộp xốp.
* Other (Miscellaneous) – số 7: là các loại nhựa pha trộn khác.
Trong đó, PET, HDPE, LDPE, PP là các loại nhựa dễ tái chế thành các sản phẩm như áo thun, hộp đựng, nắp chai,… Ngược lại, PVC, PS và các loại khác thường khó tái chế và xử lý hơn.
Các quán ăn, cà phê sử dụng nhiều loại nhựa một lần khác nhau. Các chuỗi lớn thường dùng PET cho cốc, một số dùng PP (nhựa đục hơn). Các quán nhỏ lẻ ven đường thường dùng PP hoặc loại trong suốt nhưng không in rõ loại nhựa. Theo Công ty TNHH Hunufa, nhựa PET có giá cao gấp 3 lần PP, được ưa chuộng vì độ trong suốt, giúp thể hiện rõ thành phần đồ uống và dễ thu gom, tái chế.
Trong khi đó, nilon thường bị thải bỏ sau khi sử dụng. Chúng được làm từ HDPE và LDPE, vốn là loại nhựa có giá trị. Tuy nhiên, do khối lượng nhỏ và dễ nhiễm bẩn, nilon ít được thu gom bởi những người thu mua phế liệu. Việc thu gom nilon số lượng lớn mới có giá trị tương đương việc nhặt một chai dầu gội. Hơn nữa, các loại nhựa này có gốc dầu mỏ, rất lâu phân hủy trong môi trường.
Ô nhiễm nhựa đang là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chất thải nhựa gây ô nhiễm đất, không khí, nước và trầm tích, sau đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người.

Trước khi có chỉ thị của Thủ tướng, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) đã nhận thức được vấn đề và chủ động chuyển đổi sang các giải pháp thay thế. Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment, cho biết các cửa hàng Pizza Home và Cơm gà 68 của ông đã chuyển sang sử dụng hộp giấy, thìa và dĩa gỗ cho các đơn hàng mang đi.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này gặp nhiều khó khăn do các sản phẩm thay thế thường có giá cao hơn. Ví dụ, thìa, dĩa gỗ đắt gấp 4 lần loại nhựa. Cốc nhựa phân hủy sinh học có giá cao gấp đôi cốc PET và 7 lần cốc PP. Ngoài ra, chất lượng của một số sản phẩm thay thế chưa đảm bảo. Ống hút giấy dễ bị mủn, tắc khi sử dụng lâu. Túi giấy không chịu được sức nặng như túi nilon, đặc biệt với các đơn hàng giao đi.

Nhiều quán cà phê đã thử nghiệm túi giấy, nhưng hơi nước ngưng tụ từ cốc nước lạnh có thể làm ướt và rách túi. Túi nilon sinh học cũng có độ bền chưa cao. Ông Vũ Trường Giang, nhà sáng lập chuỗi cà phê Ka…, cho biết họ vẫn phải dùng túi nilon bọc ngoài sản phẩm dù đã chuyển sang dùng cốc, túi giấy.

Lãnh đạo Công ty TNHH Hunufa thừa nhận túi nilon phân hủy sinh học hoàn toàn chưa đủ chất lượng để thay thế hoàn toàn nhựa khó phân hủy, dù giá cao gấp 5-7 lần. Công ty đã phải ngưng sản xuất loại túi này do tồn kho lâu.
Ông Nguyễn Hồng Vũ, Tổng giám đốc Hunufa, nhấn mạnh rằng cần có thời gian để giải quyết bài toán về giá và sự tiện lợi của các sản phẩm thân thiện môi trường. “Các giải pháp thay thế nhựa chỉ thực sự bứt phá và phổ biến khi giải quyết được bài toán về giá và sự tiện lợi một cách bền vững”, ông nói.
Admin
Nguồn: VnExpress