‘Khó tăng giá bán để bù thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản’

Từ năm 2015, khi thị trường bất động sản còn nhiều cơ hội, tôi đã bắt đầu đầu tư. Thời điểm đó, việc mua đất ngoại ô rồi bán lại sau vài tháng với lợi nhuận vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Lúc bấy giờ, tôi và nhiều người khác đều tin rằng giá bất động sản chỉ có thể tăng, vì nhà càng được mua nhiều thì càng trở nên khan hiếm, và giá cả theo đó cũng leo thang.

Tuy nhiên, gần đây, khi nghe về đề xuất áp thuế 20% lên phần lãi từ chuyển nhượng bất động sản, nhiều người đã phản ứng gay gắt. Họ cho rằng việc áp thuế sẽ khiến giá nhà tăng thêm 20% để bù đắp, và cuối cùng người mua sẽ phải gánh chịu. Tôi chỉ cười, bởi tôi cũng từng có suy nghĩ tương tự trước khi trải qua một bài học đắt giá.

Năm ngoái, tôi rao bán một căn nhà phố nhỏ, vị trí không quá đẹp nhưng dễ nhìn, gần khu dân cư, với giá cao hơn thị trường khoảng 15%. Tôi tin rằng do nhà khan hiếm nên người mua sẽ phải chấp nhận mức giá đó. Thế nhưng, ba tháng trôi qua mà không ai hỏi mua. Sau sáu tháng, chỉ có vài người đến xem rồi im lặng. Cuối cùng, sau một năm vẫn không bán được, tôi buộc phải giảm giá xuống gần bằng mặt bằng chung, thậm chí còn phải thương lượng thêm mới có người chịu mua.

Câu chuyện này giúp tôi nhận ra rằng thị trường là một cái cân lớn, có khả năng điều chỉnh mọi thứ, kể cả lòng tham của người bán. Không phải cứ thêm thuế là giá sẽ tăng theo. Nếu người bán đẩy giá lên, người mua sẽ rút lui, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, và người bán sẽ phải quay về với thực tế.

Tôi nhớ lại vài năm trước, người cho thuê mặt bằng nhà phố có vị thế như “ông vua”. Giá thuê tăng liên tục, người thuê phải cắn răng chịu đựng vì kinh doanh đang phát triển. Chủ nhà thà để trống mặt bằng chứ nhất quyết không giảm giá. Thế rồi kinh tế chững lại, dịch bệnh ập đến, kinh doanh lao dốc. Người thuê thua lỗ, bỏ chạy. Mặt bằng trống hàng loạt. Lúc đó, chủ nhà mới bắt đầu thấm đòn, từ chỗ hét giá, họ buộc phải giảm mạnh, thậm chí phải “năn nỉ” khách thuê quay lại.

Tôi cho rằng chính sách thuế lần này không nhằm mục đích gây khó khăn cho ai, mà là để làm chậm lại các giao dịch mua bán nhanh chóng chỉ để lướt sóng, đầu cơ bất động sản. Khi việc mua đi bán lại nhà đất không còn dễ dàng, những nhà đầu tư dài hạn sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hơn, lựa chọn cẩn thận hơn. Điều này sẽ giúp thị trường dần ổn định hơn.

Nếu người có nhà đất cứ cố giữ giá, họ sẽ lại rơi vào vết xe đổ mà tôi từng trải qua. Ngược lại, nếu chấp nhận giảm biên lợi nhuận, giá sẽ mềm hơn, và người mua thực sự sẽ quay lại. Đó là thời điểm cung và cầu gặp nhau, thị trường tự điều chỉnh.

Thị trường bất động sản không phải là một phép cộng đơn giản kiểu “giá nhà = giá bán + 20% thuế”. Mọi thay đổi đều kéo theo một chuỗi phản ứng. Nếu không lắng nghe thị trường, người bán sẽ là người chịu thiệt đầu tiên. Với tôi, thuế chuyển nhượng lần này giống như một biện pháp “giảm nhiệt”, giúp thị trường bớt nóng sốt và quay về giá trị thực. Và như mọi thị trường tự do khác, ai linh hoạt, ai hiểu rõ bản chất cung cầu, người đó sẽ tồn tại và phát triển.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *