Sản phụ Quyên, người được điều trị dự phòng tiền sản giật từ tuần thai thứ 12, đã trải qua một biến cố bất ngờ khi đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn, rồi ngã quỵ và liệt nửa người trái, rơi vào trạng thái lơ mơ. Sự việc xảy ra chỉ gần hai tháng sau khi chị bắt đầu điều trị dự phòng.
Ngày 24/7, Bác sĩ Dương Phạm Văn Thanh từ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, thời điểm nhập viện, tim thai của chị Quyên vẫn ổn định ở mức 140 lần/phút. Tuy nhiên, chỉ số tri giác Glasgow (GCS) chỉ đạt 11/15, một dấu hiệu cảnh báo tổn thương thần kinh trung ương nghiêm trọng.
Ngay lập tức, bệnh viện đã kích hoạt quy trình điều trị đột quỵ cấp “Code Stroke”, tạo hành lang ưu tiên để cấp cứu kịp thời. Kết quả khảo sát hình ảnh học cho thấy chị Quyên bị xuất huyết nội sọ với kích thước ổ máu tụ khoảng 5x4x6 cm ở bán cầu não phải, nằm trong nhu mô não đính chẩm phải. Khối máu tụ này gây chèn ép mạnh, đẩy lệch đường giữa não, cho thấy tình trạng tăng áp lực nội sọ đang ở mức nguy kịch.
Bác sĩ Thanh nhấn mạnh đây là một tình huống tối khẩn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của cả sản phụ và thai nhi. Hội đồng bác sĩ gồm các chuyên gia từ Phẫu thuật Thần kinh, Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức và Sản khoa đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp, đánh giá kỹ lưỡng các nguy cơ và thống nhất quyết định phẫu thuật cấp cứu đột quỵ cho chị Quyên bằng robot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Mục tiêu tối thượng là đảm bảo “giờ vàng” để cứu sống cả mẹ và em bé.
Trước khi phẫu thuật, robot Modus V Synaptive đã sử dụng thuật toán AI để dựng bản đồ não 3D, giúp bác sĩ xác định rõ ràng ranh giới giữa khối máu tụ và các tổ chức não lành xung quanh. Nhờ đó, bác sĩ có thể lên kế hoạch tiếp cận tổn thương theo con đường tối ưu nhất, tránh gây tổn hại đến các vùng não quan trọng chịu trách nhiệm về vận động và thị giác – điều đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân đang mang thai.
Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết phẫu thuật não cho thai phụ là một ca phức tạp, đòi hỏi kiểm soát đồng thời nhiều yếu tố: huyết áp của mẹ, bảo vệ thai nhi và đảm bảo an toàn tối đa cho não bộ người mẹ. Ê-kíp đã tính toán và điều chỉnh tư thế mổ đặc biệt để tránh chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, đảm bảo tuần hoàn máu cho thai nhi trong suốt quá trình phẫu thuật. Các loại thuốc gây mê, thuốc chống co giật và thuốc giảm áp lực nội sọ cũng được lựa chọn cẩn trọng để hạn chế tối đa các nguy cơ như co bóp tử cung, thiếu máu nhau thai hoặc suy thai trong quá trình mổ.
Sau gần 90 phút phẫu thuật căng thẳng, khối máu tụ đã được loại bỏ hoàn toàn, giải phóng mô não khỏi tình trạng chèn ép, giúp áp lực nội sọ giảm đáng kể. Hai ngày sau phẫu thuật, chị Quyên đã hồi tỉnh tốt, chỉ số tri giác cải thiện rõ rệt, có thể cử động nhẹ tay trái, và tim thai nhi vẫn ổn định. Kết quả chụp CT kiểm tra với 1975 lát cắt cho thấy não đã được giải áp hiệu quả và không xuất hiện thêm ổ máu tụ mới. Đến ngày thứ 5 sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, hoàn toàn tỉnh táo, sức cơ tay trái đạt 4/5, chân trái đạt 2/5 và bắt đầu có dấu hiệu vận động trở lại.
Hiện tại, chị Quyên đang tiếp tục tập hồi phục để ổn định sức khỏe. Các bác sĩ cho biết thai nhi máy đều đặn, các chỉ số phát triển được theo dõi chặt chẽ và đang tăng trưởng trong giới hạn bình thường.
Xuất huyết nội sọ là một biến cố hiếm gặp nhưng vô cùng nghiêm trọng trong thai kỳ, có thể gây tử vong cho cả thai phụ và thai nhi nếu không được xử trí kịp thời. Nguy cơ thường tăng cao trong ba tháng cuối thai kỳ, với các nguyên nhân phổ biến bao gồm túi phình mạch não, dị dạng động – tĩnh mạch hoặc các rối loạn liên quan đến sinh lý thai kỳ. Trong đó, tiền sản giật được xem là nguyên nhân hàng đầu.

Tiền sản giật làm tăng sức cản thành mạch của hệ thống mạch máu toàn thân, dẫn đến tăng huyết áp, giảm cung lượng tim và thể tích huyết tương. Những thay đổi này gây rối loạn tưới máu não, có thể dẫn đến phù não và xuất huyết.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sản giật, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, rối loạn đông máu, hoặc tiền sử gia đình bị đột quỵ, cần được theo dõi định kỳ và thường xuyên tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản và Thần kinh để kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như đau đầu dữ dội, kéo dài, rối loạn thị giác (nhìn mờ, nhìn đôi), khó nói, mất ý thức thoáng qua, nôn ói, co giật, liệt nửa người… người bệnh cần đến ngay các bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ chuyên sâu để được điều trị kịp thời.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Admin
Nguồn: VnExpress