Trước đây, tôi từng nghĩ quản lý tài chính cá nhân chỉ dành cho những người làm kinh doanh hoặc đầu tư chuyên nghiệp. Với một người làm công ăn lương như tôi, chỉ cần “tháng nào biết tháng đó” là đủ. Nhưng rồi tôi nhận ra, dù thu nhập có tăng lên bao nhiêu, tôi vẫn thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu, và mọi kế hoạch tiết kiệm, đầu tư đều tan thành mây khói vì những lần tiêu xài không suy nghĩ.
Bước ngoặt đến khi tôi tình cờ biết đến nguyên tắc tài chính 50-30-20, một công thức đơn giản được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển. Nguyên tắc này chia thu nhập hàng tháng (sau thuế) thành ba phần: 50% cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, tiền thuê nhà, học phí, điện nước, đi lại và bảo hiểm sức khỏe; 30% cho những mong muốn cá nhân như vui chơi, mua sắm, ăn uống bên ngoài và giải trí – những thứ có cũng được, không có cũng không sao; và 20% còn lại dành cho tiết kiệm hoặc đầu tư, đây là nền tảng cho sự ổn định tài chính trong tương lai.
Khi bắt đầu áp dụng nguyên tắc này, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra những khoản chi tiêu tưởng chừng nhỏ nhặt như ăn trưa bên ngoài hay mua sắm trực tuyến lại chiếm một phần đáng kể trong thu nhập. Có những tháng, tôi chi hơn 40% thu nhập chỉ cho những khoản “muốn”, trong khi phần tiết kiệm lại bằng không.
Từ đó, tôi bắt đầu thay đổi thói quen từng chút một: tự chuẩn bị cơm trưa mang đi làm, hạn chế mua sắm những thứ không thực sự cần thiết, và sử dụng ứng dụng để ghi chép chi tiêu hàng ngày. Điều quan trọng là tôi vẫn có thể tận hưởng những niềm vui nhỏ mỗi tháng, nhưng mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ hơn. Và điều quan trọng nhất là tôi đã có được khoản tiết kiệm đầu tiên trong đời.
Thực tế, không phải ai cũng có thể áp dụng nguyên tắc 50-30-20 một cách máy móc. Một số người có thể cần điều chỉnh thành mô hình 70-20-10 nếu chi phí sinh hoạt thiết yếu quá cao. Hoặc 40-30-30 nếu thu nhập tốt và muốn đầu tư nhiều hơn. Bài học cốt lõi mà tôi rút ra là, dù thu nhập ở mức nào, chúng ta cũng cần dành một phần cho tương lai.
Ở Việt Nam, không nhiều người trẻ nghĩ đến việc đầu tư hoặc tiết kiệm từ sớm. Phần lớn chúng ta chi tiêu theo cảm tính, hoặc dựa vào số dư tài khoản hiện có. Tôi đã từng như vậy, và chỉ khi bắt đầu kiểm soát chi tiêu, tôi mới cảm thấy cuộc sống chủ động hơn và không còn lo lắng mỗi khi đến kỳ lương.
Có thể có người sẽ nói: “Lương không đủ sống thì tiết kiệm kiểu gì?”. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, có lẽ chúng ta cần thay đổi không chỉ cách chi tiêu mà còn cả cách kiếm tiền, bằng cách học hỏi thêm kỹ năng mới, tìm kiếm cơ hội tốt hơn và nâng cao giá trị bản thân. Quản lý tài chính không chỉ là giữ tiền, mà còn là biết mình đang sống vì điều gì và mình muốn xây dựng tương lai như thế nào.
Tôi không phải là chuyên gia tài chính. Tôi chỉ là một người từng rơi vào cảnh “cháy túi” vào ngày 25 hàng tháng, và giờ đã học được cách dành dụm một phần cho tương lai. Với tôi, nguyên tắc 50-30-20 không phải là một công thức cứng nhắc, mà là một động lực để bắt đầu một cuộc sống có kế hoạch và bền vững hơn.
Admin
Nguồn: VnExpress