Bác sĩ Bùi Việt Hưng, Trưởng khoa Dịch kính võng mạc, Trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết một bé gái ba tháng tuổi đã được cứu thị lực kịp thời nhờ can thiệp phẫu thuật phức tạp. Bệnh nhi bị tổn thương nghiêm trọng vùng võng mạc, nơi chứa nhiều tế bào thần kinh thị giác quan trọng.
Cụ thể, mắt trái của bé đã bị bong võng mạc hoàn toàn, trong khi mắt phải có dấu hiệu co kéo và gấp nếp võng mạc. Tuy nhiên, các bác sĩ đánh giá vẫn còn cơ hội để khôi phục thị lực cho mắt phải của bé.
Bác sĩ Hưng chẩn đoán bé mắc bệnh võng mạc xuất tiết có tính chất gia đình (FEVR). Đây là một bệnh lý hiếm gặp, trong đó các mạch máu ở võng mạc phát triển bất thường và yếu, dễ gây rò rỉ dịch. Tình trạng này dẫn đến phù, xuất huyết, kéo lệch võng mạc, và nếu không được điều trị kịp thời có thể gây bong võng mạc và mù lòa. Bệnh FEVR có hình thái gần giống với bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (ROP), nhưng lại xảy ra ở trẻ sinh đủ tháng. Việc phát hiện bệnh rất khó khăn nếu không có các thiết bị chuyên dụng để tầm soát mắt cho trẻ sau sinh.
Bé cần được phẫu thuật gấp, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng nhẹ ở trẻ ba tháng tuổi đã tạo ra một thách thức lớn cho êkíp gây mê và đặt nội khí quản. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn để tìm ra phương án điều trị khả thi nhất, đồng thời xây dựng kế hoạch chăm sóc và hồi phục sau mổ cho bé.
Êkíp phẫu thuật đã tính toán và điều chỉnh cẩn thận lượng thuốc mê sử dụng, đảm bảo an toàn và tránh ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bệnh nhi. Đối với mắt trái đã bị bong võng mạc hoàn toàn, bác sĩ Hưng đã thực hiện phương pháp lạnh đông, sử dụng nhiệt lạnh sâu để ngăn chặn bệnh tiến triển và gây ra các biến chứng như teo nhãn cầu, dẫn đến phải khoét bỏ mắt và tiêu xương hốc mắt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Đối với mắt phải, các bác sĩ đã tiến hành quang đông vùng võng mạc chu biên (vùng ngoài rìa của võng mạc) bằng kỹ thuật laser. Do mắt của bệnh nhi còn rất bé, việc tiếp cận khu vực cần điều trị gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện, toàn bộ đèn trong phòng mổ đã được tắt để bác sĩ có thể tập trung quan sát rõ vùng đáy mắt. Bác sĩ đã sử dụng đèn soi đáy mắt tích hợp laser để can thiệp vào khu vực nhỏ hẹp trên võng mạc của bệnh nhi. Tia laser tác động lên võng mạc để tạo thành các sẹo vành đai, ngăn chặn bệnh tiến triển vào vùng trung tâm võng mạc.

Sau 10 ngày theo dõi hậu phẫu, bé đã được xuất viện và tái khám định kỳ. Kết quả cho thấy tình trạng của bé khả quan, các búi mạch máu tăng sinh bất thường ở mắt trái thoái triển dần. Mắt phải đã được laser quang đông tạo sẹo bền chắc, ngăn bệnh tiến triển. Bé đã có phản xạ với ánh sáng, một dấu hiệu tích cực cho thấy mắt bé đã có khả năng tiếp nhận hình ảnh. Đây là điều kiện quan trọng để trẻ phát triển thị lực, khả năng nhận biết và nhận thức sau này.
Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám sàng lọc mắt trong 6 tháng đầu đời, đặc biệt là trẻ có các yếu tố nguy cơ như sinh non, nhẹ cân, điều trị thở oxy kéo dài, tiền sử gia đình có người mắc bệnh về mắt hoặc có các dấu hiệu bất thường như lé, mắt mờ, không nhìn theo ánh sáng, đồng tử trắng, rung giật nhãn cầu… Các bệnh lý mắt bẩm sinh hoặc di truyền như FEVR, ROP, glôcôm bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh… có thể tiến triển âm thầm và không có dấu hiệu rõ ràng trong giai đoạn đầu. Ngay cả trẻ sinh đủ tháng và cân nặng bình thường vẫn có thể mắc các bệnh lý mắt nguy hiểm. Việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng để bảo vệ thị lực cho trẻ.
Admin
Nguồn: VnExpress