Theo Conversation, khi một quốc gia ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tổ chức giám sát hạt nhân toàn cầu, sẽ cung cấp bằng chứng liên tục để xác minh rằng chương trình hạt nhân của quốc gia đó chỉ phục vụ các mục đích hòa bình. IAEA đảm bảo rằng các quốc gia tuân thủ các giới hạn của thỏa thuận không phổ biến vũ khí, bao gồm việc làm giàu uranium ở mức thấp và không sử dụng sai mục đích các lò phản ứng. Một phần quan trọng của thỏa thuận này là cho phép IAEA tiến hành kiểm tra các địa điểm liên quan đến hạt nhân, bao gồm cả các chuyến thăm bất ngờ, không báo trước.
Các thanh tra viên của IAEA không chỉ xem xét nhật ký hoạt động mà còn hiểu rõ về những gì nên và không nên tồn tại tại các cơ sở hạt nhân. Ngay cả khi IAEA không có mặt trực tiếp, các camera giám sát, niêm phong chống giả mạo trên thiết bị và máy đo phóng xạ theo thời gian thực vẫn hoạt động liên tục để thu thập và xác minh thông tin về hoạt động của chương trình hạt nhân.
Bộ công cụ của IAEA được thiết kế để phát hiện sớm bất kỳ hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân nào. Phần lớn công việc này mang tính kỹ thuật cao, kết hợp giám sát, theo dõi vật liệu, phân tích dữ liệu và lấy mẫu khoa học. Đội ngũ thanh tra bao gồm các chuyên gia như nhà hóa học, nhà vật lý và kỹ sư hạt nhân. Họ thực hiện các nhiệm vụ như đếm số lượng thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong bể làm mát, kiểm tra niêm phong chống giả mạo trên máy ly tâm và mang thiết bị nặng đi bộ hàng kilomet qua các hành lang của cơ sở.

Ví dụ, vào tháng 4 năm 2021, thế giới đã biết rằng Iran đã đẩy mạnh việc làm giàu uranium từ cấp độ nhiên liệu lò phản ứng lên gần cấp độ sản xuất vũ khí. Các thanh tra viên của IAEA đã xác minh rằng Iran đã đưa uranium vào một loạt máy ly tâm được thiết kế để làm giàu uranium từ mức 5% (mức sử dụng cho chương trình năng lượng) lên 60%, một bước tiến đáng kể gần đến mức 90% được sử dụng trong vũ khí hạt nhân.
Xung quanh các cơ sở, dù là để làm giàu uranium hay xử lý plutonium, camera giám sát mạch kín liên tục theo dõi các vật liệu chưa khai báo hoặc các hoạt động bí mật. Niêm phong xung quanh cơ sở cung cấp bằng chứng cho thấy các xylanh khí uranium không bị can thiệp và các máy ly tâm hoạt động ở mức đã khai báo. Bên cạnh niêm phong, máy giám sát làm giàu trực tuyến cho phép thanh tra viên xem xét bên trong máy ly tâm để phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong quy trình làm giàu.
Khi các thanh tra viên IAEA có mặt tại chỗ, họ thu thập các mẫu vật môi trường, chẳng hạn như mẫu vật liệu hạt nhân trên các bề mặt, trong bụi hoặc không khí. Các mẫu vật này có thể tiết lộ liệu uranium có được làm giàu đến mức vượt quá giới hạn cho phép theo thỏa thuận hay không, hoặc liệu plutonium có đang được sản xuất trong lò phản ứng hay không. Mẫu vật cung cấp thông tin rất chính xác, giúp xác định mức độ làm giàu từ một hạt nhỏ hơn hạt bụi. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra này có thể kéo dài vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Nhóm thanh tra sẽ phân tích các mẫu vật tại phòng thí nghiệm của IAEA bằng các thiết bị tinh vi, chẳng hạn như máy quang phổ khối.
Ngoài việc thu thập mẫu vật vật lý, các thanh tra viên của IAEA cũng xem xét nhật ký tồn kho vật liệu. Họ tìm kiếm các hành vi điều chuyển uranium hoặc plutonium khỏi quy trình thông thường, tương tự như cách các kế toán viên theo dõi dòng chảy tài chính. Quá trình xác minh của họ được hỗ trợ bởi các máy giám sát trực tuyến và cảm biến phóng xạ luôn hoạt động. Họ cũng đếm và cân các vật phẩm quan trọng để xác minh tính chính xác của các ghi chép trong nhật ký.
Thêm vào đó, thanh tra IAEA cũng xác định xem cơ sở có phù hợp với thiết kế đã khai báo hay không. Ví dụ, nếu một quốc gia mở rộng phòng máy ly tâm để tăng cường khả năng làm giàu, đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Những thay đổi trong cách bố trí phòng thí nghiệm xử lý vật liệu gần lò phản ứng hạt nhân cũng có thể cho thấy chương trình đang chuẩn bị sản xuất plutonium trái phép.
Admin
Nguồn: VnExpress