Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì trước và trong quá trình mang thai đối diện với nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Các biến chứng có thể bao gồm cao huyết áp, ngưng thở khi ngủ và đặc biệt là tiểu đường thai kỳ. Nguy hiểm hơn, thai phụ béo phì còn có nguy cơ cao bị tiền sản giật, một biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tăng huyết áp và sự xuất hiện protein trong nước tiểu.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, tình trạng thừa cân, béo phì ở thai phụ còn có thể gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Lượng chất béo quá mức ở trẻ sơ sinh do mẹ thừa cân cũng có thể dẫn đến nguy cơ thừa cân hoặc béo phì cho trẻ sau này.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số khối cơ thể (BMI) của mẹ trước khi thụ thai là một yếu tố dự báo quan trọng về tình trạng béo phì của trẻ khi trưởng thành. Ngoài ra, người mẹ thừa cân có thể mang gene di truyền béo phì, làm tăng nguy cơ này ở trẻ. Việc tăng cân quá mức trong thai kỳ cũng liên quan đến chứng to đầu ở thai nhi, một yếu tố làm tăng khả năng phát triển bệnh béo phì ở trẻ em.

Để giảm thiểu những rủi ro này, bạn nên tìm đến bác sĩ dinh dưỡng hoặc nội tiết để được tư vấn về chế độ giảm cân phù hợp. Duy trì cân nặng tối ưu không chỉ giúp thai phụ giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng trong thai kỳ mà còn giúp phòng tránh tình trạng thừa cân, béo phì cho con.
Trong suốt thai kỳ, việc áp dụng một chế độ ăn uống khoa học kết hợp với lối sống lành mạnh là vô cùng quan trọng. Điều này bao gồm việc đảm bảo cung cấp đủ vitamin D, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chiên rán và caffeine. Chia nhỏ bữa ăn thành ba bữa chính và hai bữa phụ, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, giúp duy trì đường huyết ổn định và giảm nguy cơ kháng insulin. Thường xuyên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc tập yoga cũng có thể giúp điều chỉnh cân nặng và hạn chế sản xuất insulin, góp phần bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Admin
Nguồn: VnExpress