Hóc xương cá là một tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày, và theo kinh nghiệm dân gian, có nhiều cách để xử lý tình huống này. Tuy nhiên, không phải mẹo nào cũng hiệu quả và an toàn. Bác sĩ Zhu Renliang, Trưởng khoa Tai Mũi Họng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã chia sẻ một phương pháp sơ cứu đơn giản, có thể thực hiện tại nhà, đồng thời chỉ ra những sai lầm thường gặp khi xử lý hóc xương.
Theo bác sĩ Zhu, một mẹo an toàn và dễ thực hiện là súc miệng mạnh bằng nước. Cách thực hiện như sau: Lấy một cốc nước, ngậm một ngụm lớn, ngửa đầu lên và súc miệng thật mạnh để dòng nước tạo áp lực vào thành họng. Lặp lại động tác này vài lần, sau đó nhổ mạnh nước ra ngoài. Phương pháp này có thể giúp đẩy chiếc xương cá ra ngoài.
Tuy nhiên, bác sĩ Zhu cũng lưu ý rằng phương pháp này chỉ hiệu quả khi xương cá mắc ở vị trí nông, tức là ở họng và chưa đi sâu vào thực quản. Bên cạnh đó, xương phải nhỏ và không quá sắc nhọn, vì nếu xương to, sắc hoặc cắm sâu, lực nước không đủ để đẩy ra. Một điều quan trọng cần nhớ là tuyệt đối không được nuốt nước súc miệng, vì có thể vô tình đẩy xương trôi sâu hơn.

Bác sĩ Zhu cũng chỉ ra những sai lầm phổ biến khi xử lý hóc xương cá. Nhiều người tin rằng uống giấm có thể làm mềm xương cá do giấm chứa axit axetic, có khả năng phản ứng với canxi trong xương. Tuy nhiên, axit axetic là một axit yếu, và để làm mềm xương cần một lượng lớn giấm cùng thời gian ngâm đủ lâu. Việc uống vài ngụm giấm không mang lại hiệu quả đáng kể.
Một sai lầm khác là cố gắng nuốt một miếng cơm to hoặc thức ăn khác để “đè” xương cá xuống. Hành động này có thể khiến xương bị đẩy sâu hơn vào niêm mạc hoặc thực quản, gây khó khăn cho việc gắp xương ra. Trong trường hợp xương trôi xuống dạ dày hoặc ruột, nó có thể gây thủng mô, dẫn đến viêm phúc mạc và thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp y tế kịp thời.
Bác sĩ Zhu khuyến cáo, nếu sau khi áp dụng phương pháp súc miệng mạnh mà vẫn cảm thấy đau, rát hoặc vướng ở họng, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý. Việc tự ý xử lý hoặc trì hoãn có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.
Admin
Nguồn: VnExpress