Xung đột biên giới giữa Campuchia và Thái Lan đã leo thang nghiêm trọng vào ngày 24/7, với cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau khơi mào cuộc tấn công. Cả Campuchia và Thái Lan đều tuyên bố hành động của mình chỉ là tự vệ.
Chỉ trong vòng chưa đầy sáu giờ, tình hình đã trở nên căng thẳng khi cả quân đội Campuchia và Thái Lan đều triển khai các loại vũ khí hạng nặng. Thái Lan cáo buộc Campuchia pháo kích vào khu dân cư, gây ra thương vong. Để đáp trả, Bangkok đã triển khai nhiều đợt máy bay chiến đấu F-16 tấn công các mục tiêu quân sự bên kia biên giới.

Trong khi Campuchia tuyên bố đã bắn hạ một chiếc F-16, Không quân Thái Lan khẳng định tất cả máy bay chiến đấu của họ đều an toàn trở về căn cứ. Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động của phi đội F-16 Thái Lan bị cản trở, một phần là do Không quân Campuchia hiện không có máy bay chiến đấu trong biên chế.
Lực lượng nòng cốt của Không quân Campuchia hiện nay bao gồm các trực thăng do Liên Xô, Trung Quốc, Pháp và Ý sản xuất, cùng với các máy bay vận tải mua từ Trung Quốc, Pháp và Anh.
Trước đó, vào ngày 20/6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha đã tuyên bố rằng nước này không sở hữu máy bay chiến đấu hay tàu chiến vì “chỉ tập trung vào năng lực phòng thủ”. Ông nhấn mạnh rằng quân đội Campuchia đủ khả năng bảo vệ đất nước bằng các hệ thống phòng không, pháo chống tăng và các khí tài phòng thủ bờ biển.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia khẳng định: “Chúng tôi đã hợp tác với một số đối tác thân thiện để tăng cường năng lực quân sự cho mục đích phòng thủ, hoàn toàn không phải để tích trữ vũ khí nhằm tấn công nước khác”.
Tháng 5/2022, Thủ tướng Campuchia lúc bấy giờ là ông Hun Sen cũng khẳng định rằng nước này “không cần máy bay làm nhiệm vụ đánh chặn và bắn hạ phi cơ khác”. Ông nói: “Thay vào đó, Campuchia cần sức mạnh tác chiến đường không để phòng thủ. Tôi gọi đó là lưới trời”.
Ông Hun Sen giải thích rằng nhiều người không hiểu thuật ngữ “lưới trời” và đề cập đến những ý kiến cho rằng Campuchia thiếu máy bay chiến đấu và tàu ngầm. Ông nói: “Nếu chiến đấu cơ chỉ bay trên trời, chúng sẽ không gây tác động gì đến Campuchia. Nếu muốn tấn công, các phi cơ phải bổ nhào để nã pháo hoặc ném bom, khi đó chúng ta sẽ khai hỏa hàng trăm nghìn quả đạn nhằm vào chúng. Đây là điều tôi muốn nói về lưới trời”.

Trong một bài phát biểu ngày 29/5, ông Hun Sen cho biết Không quân Campuchia từng sở hữu một số máy bay chiến đấu MiG-21bis, nhưng chưa bao giờ triển khai chúng trong chiến đấu. Quân đội Campuchia đã loại biên toàn bộ máy bay chiến đấu MiG-21 từ năm 2010.
Ông nói: “Campuchia không phụ thuộc vào máy bay chiến đấu trong tác chiến hiện đại nữa. Chúng tôi đã phát triển lưới phòng không toàn diện, đáng tiếc là nhiều người không hiểu điều này nghĩa là gì”.
Ông Hun Sen cho biết Campuchia sẽ bỏ qua nếu máy bay đối phương bay cao và không tấn công, nhưng luôn sẵn sàng khai hỏa nếu máy bay hạ độ cao để tập kích. Ông nói: “Đây là lý do chiến đấu cơ hiếm khi tham gia các cuộc xung đột biên giới. Hệ thống phòng không của Campuchia rất hiệu quả, chúng tôi đã thử nghiệm thành công tên lửa với tầm bắn lên đến 40 km”.
Nhà lãnh đạo Campuchia cũng nhấn mạnh rằng không nên quá tin tưởng vào pháo hạng nặng, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hoặc máy bay chiến đấu. Ông Hun Sen kết luận: “Dù vũ khí tiên tiến đến đâu, một bên không thể giành chiến thắng nếu không kiểm soát được các vùng đất”.
Admin
Nguồn: VnExpress