Trong một bức thư gửi Liên Hợp Quốc ngày 25/7, chính phủ Thái Lan đã cáo buộc binh sĩ Campuchia nổ súng vào căn cứ quân sự của Thái Lan ở Ta Moan Thom vào lúc 8h20 ngày 24/7, khiến hai binh sĩ Thái Lan thiệt mạng ngay tại chỗ. Thái Lan tố cáo Campuchia sau đó đã mở rộng hoạt động quân sự sang các khu vực dân sự thuộc 4 tỉnh Buriram, Surin, Sisaket và Ubon Ratchathani.
Theo thư của Thái Lan, các hành động quân sự này đã làm 11 dân thường Thái Lan thiệt mạng, 24 người bị thương (trong đó 8 người bị thương nặng) và hơn 102.000 người phải sơ tán. Nhiều cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện, trường học và công trình công cộng trong khu vực bị “thiệt hại nặng nề”.

Đáng chú ý, bức thư này có thể được soạn thảo trước khi Bộ Y tế Thái Lan công bố số người thiệt mạng vì xung đột đã tăng lên 15.

Giới chức Thái Lan lên án Campuchia “tấn công dân thường, bệnh viện và nhiều công trình công cộng, vi phạm Công ước Geneva năm 1949”, vốn quy định về việc bảo vệ các cơ sở y tế, người bị thương và người bệnh.
Thái Lan còn cáo buộc Campuchia sử dụng mìn chống bộ binh PMN-2, vi phạm Công ước Ottawa cấm loại vũ khí này. Vụ việc này, theo Bangkok, đã khiến hai binh sĩ Thái Lan bị thương khi tuần tra biên giới. Thái Lan khẳng định đã tiêu hủy toàn bộ kho dự trữ mìn chống bộ binh vào năm 2003 và đã báo cáo với Liên Hợp Quốc.
Trong thư, Thái Lan nhấn mạnh “đã kiềm chế tối đa”, đồng thời khẳng định hành động quân sự của họ là “tự vệ chính đáng, được triển khai một cách hạn chế và có mục tiêu nhằm đối phó với mối đe dọa từ quân đội Campuchia”.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bác bỏ hoàn toàn việc sử dụng vũ lực trong giải quyết xung đột quốc tế”, bức thư nêu rõ. “Chúng tôi kêu gọi Campuchia ngừng các hành động đối địch và quay lại bàn đàm phán một cách chân thành”.
Thái Lan cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia vào các cơ chế đàm phán song phương hiện có, bao gồm Ủy ban Biên giới Chung, với phiên họp dự kiến vào tháng 9, để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ còn tồn đọng.
Về phía Campuchia, hiện chưa có phản hồi chính thức nào về các cáo buộc từ phía Thái Lan. Tuy nhiên, truyền thông Campuchia trước đó đã cáo buộc Thái Lan sử dụng máy bay chiến đấu F-16 tấn công các mục tiêu dân sự, điều mà Bangkok đã bác bỏ, khẳng định chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự.
Một quan chức địa phương Campuchia cho biết ít nhất một dân thường đã thiệt mạng và 5 người bị thương trong giao tranh với Thái Lan.
Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thư cho Hội đồng Bảo an LHQ, đề nghị tổ chức họp khẩn sau khi giao tranh nổ ra ở biên giới. Ông Hun Manet cáo buộc Thái Lan “tấn công vũ trang” vào nhiều khu vực của Campuchia và quân đội nước này “tự vệ để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.
Ông Hun Manet kêu gọi Thái Lan “lập tức chấm dứt mọi hành động thù địch, rút quân và kiềm chế mọi động thái khiêu khích tiếp theo”. Ông cũng cho rằng Thái Lan “đơn phương vẽ lại bản đồ” để “biện minh cho những cáo buộc vô căn cứ” liên quan đến vụ nổ mìn gần đây, làm leo thang căng thẳng.
Theo các nguồn tin của AFP, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức phiên họp khẩn vào chiều 25/7 (rạng sáng 26/7 giờ Hà Nội) để thảo luận kín về cuộc đụng độ đang diễn ra ở biên giới Campuchia – Thái Lan.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang từ ngày 23/7, sau khi giới chức Thái Lan cáo buộc Campuchia gài mìn tại khu vực tranh chấp biên giới, nơi đã xảy ra đụng độ hồi tháng 5 khiến một binh sĩ Thái Lan bị thương.
Sau đó, Bangkok đã quyết định trục xuất đại sứ Campuchia, triệu hồi đại sứ Thái Lan về nước và tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Campuchia. Chính phủ Campuchia đã đáp trả bằng cách hạ cấp quan hệ với Thái Lan xuống “mức thấp nhất” và triệu hồi cán bộ ngoại giao ở Bangkok.
Đụng độ giữa Campuchia và Thái Lan bùng phát gần đền Ta Moan Thom vào sáng 24/7, sau đó lan sang các khu vực khác dọc biên giới hai nước, trở nên nghiêm trọng hơn khi cả hai bên triển khai vũ khí hạng nặng.
Admin
Nguồn: VnExpress