Tình hình căng thẳng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia leo thang, quân đội Thái Lan đã ban bố thiết quân luật tại một số khu vực giáp biên giới. Theo đó, ông Apichart Sapprasert, chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng thủ Biên giới Thái Lan, ngày 25/7 thông báo thiết quân luật đã được áp dụng tại 7 huyện thuộc tỉnh Chanthaburi và 1 huyện thuộc tỉnh Trat, đều là các tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia.

Thiết quân luật, biện pháp áp đặt kiểm soát quân sự trực tiếp lên các hoạt động dân sự hoặc đình chỉ luật dân sự, thường được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp. Bangkok tuyên bố việc triển khai quân đội là cần thiết để đối phó với mối đe dọa từ bên ngoài, cáo buộc Campuchia “sử dụng vũ lực và vũ khí xâm phạm lãnh thổ Thái Lan dọc biên giới”. Mục đích của biện pháp này là bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, tính mạng và tài sản của người dân Thái Lan.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh xung đột biên giới giữa hai nước kéo dài sang ngày thứ hai. Quân đội Thái Lan cho biết giao tranh tiếp diễn tại ba khu vực vào rạng sáng ngày 25/7, khi lực lượng Campuchia sử dụng vũ khí hạng nặng, bao gồm pháo phản lực BM-21 và lựu pháo. Quân đội Thái Lan đã đáp trả bằng hỏa lực tương xứng.
Phía quân đội Campuchia cũng xác nhận lực lượng hai nước tiếp tục đấu pháo hạng nặng tại khu vực giao tranh thuộc hai tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear.

Tờ The Nation của Thái Lan đưa tin quân đội nước này đã thực hiện hai đợt không kích bằng máy bay chiến đấu F-16 vào các mục tiêu trên lãnh thổ Campuchia, sau đó các máy bay đã trở về căn cứ an toàn. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Campuchia cáo buộc tiêm kích F-16 Thái Lan đã ném bom ba lần xuống khu vực đền Preah Vihear, Wat Keo Sikha Kiri Swarak và một lần xuống khu vực đền Ta Krabey.
Mặc dù tình hình căng thẳng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Nikorndej Balankura, nhận định có dấu hiệu cho thấy giao tranh đang hạ nhiệt. Ông cũng cho biết Thái Lan sẵn sàng đàm phán, có thể với sự hỗ trợ của Malaysia, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN. Ông Nikorndej Balankura nhấn mạnh: “Nếu Campuchia muốn giải quyết vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao, song phương, hoặc thậm chí là qua Malaysia, chúng tôi đều sẵn sàng. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào”.
Về phía Campuchia, Thủ tướng Hun Manet cho biết hai nước ban đầu đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn do Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đưa ra hôm 24/7, nhưng sau đó Bangkok đã thay đổi quyết định. Ông Hun Manet bày tỏ mong muốn nhận được “thiện chí thực sự” từ phía Thái Lan để có thể hạ nhiệt căng thẳng.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang từ ngày 23/7, sau khi giới chức Thái Lan cáo buộc Campuchia gài mìn tại khu vực tranh chấp biên giới, nơi từng xảy ra đụng độ hồi tháng 5 khiến một binh sĩ Thái Lan bị thương. Giao tranh bùng phát gần đền Ta Moan Thom vào sáng 24/7 và sau đó lan sang nhiều khu vực khác dọc biên giới.
Thái Lan thông báo xung đột đã khiến 19 người thiệt mạng, trong đó có 13 dân thường, và 62 người bị thương. Chính phủ Campuchia chưa công bố số liệu thương vong, nhưng giới chức địa phương cho biết một người đã thiệt mạng.
Admin
Nguồn: VnExpress