Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành nội vụ, Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tình hình nhân sự và tổ chức bộ máy nhà nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 85.447 cán bộ, công chức có quyết định nghỉ việc, trong đó 77.278 người đã hoàn tất thủ tục nghỉ hưu hoặc thôi việc. Hơn 74.240 trường hợp đang được xem xét phê duyệt kinh phí hỗ trợ, với 20.410 người đang chờ phê duyệt và 53.830 người đã được chấp thuận. Đáng chú ý, đã có 41.000 người (chiếm 76% số đã phê duyệt) đã nhận được trợ cấp. So với cuối tháng 6, số người nhận trợ cấp hưu trí và thôi việc đã tăng thêm 15.380 người.
Bộ Nội vụ hiện đang tổng hợp báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chuyển biên chế giữa các bộ, ngành sau quá trình sắp xếp, cũng như giữa Bộ Công Thương và các địa phương sau khi lực lượng quản lý thị trường được chuyển giao về cho địa phương quản lý.
Bộ Nội vụ cũng sẽ tiếp tục rà soát và phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất điều chuyển biên chế giữa các khối cơ quan, bao gồm cả trung ương và địa phương, cũng như giữa các bộ, ngành và các cơ quan thuộc khối Đảng, nhằm tinh gọn bộ máy tổ chức.
Sau quá trình sắp xếp, các địa phương đã giảm được 713 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Hiện cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với 3.321 xã, phường và các đơn vị hành chính đặc biệt. Ước tính đợt sáp nhập này sẽ giúp giảm hơn 18.400 biên chế cấp tỉnh, 110.700 biên chế cấp xã và 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Dự kiến, hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sẽ còn lại 91.784 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và 199.000 biên chế cấp xã.
Bộ Nội vụ ước tính tổng số tiền ngân sách tiết kiệm được trong giai đoạn 2026-2030 là 27.600 tỷ đồng nhờ giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh; 128.700 tỷ đồng nhờ giảm cán bộ, công chức cấp xã; và 34.000 tỷ đồng nhờ giảm cán bộ không chuyên trách cấp xã. Như vậy, tổng kinh phí tiết kiệm từ chi lương và chi hành chính dự kiến đạt 190.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030.
Tuy nhiên, ngân sách cũng cần chi 22.139 tỷ đồng cho 18.449 cán bộ, công chức cấp tỉnh thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi (tương đương 1,2 tỷ đồng/người) và 99.700 tỷ đồng cho người thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi ở cấp xã. Kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho những người nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu là 6.600 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn 2025-2030 để chi trả cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi do sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là 128.480 tỷ đồng.
Thứ trưởng Trương Hải Long cũng cho biết, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 29 nghị định và các bộ, ngành đã ban hành 64 thông tư về phân cấp, phân quyền. Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tạm thời về bố trí biên chế khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ cũng tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức năm 2025 với nhiều quy định mới, bao gồm liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh để thống nhất chế độ công vụ từ trung ương đến cấp xã; chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao và chính sách đãi ngộ người tài trong hoạt động công vụ; và cho phép cơ quan quản lý ký hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ công chức với doanh nhân tiêu biểu, luật gia, chuyên gia…
Về tình hình lao động việc làm, Thứ trưởng Nội vụ cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, dưới 3%. Cả nước đã tiếp nhận 429.166 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việt Nam cũng đã đưa 74.691 người đi làm việc ở nước ngoài.
Admin
Nguồn: VnExpress