Chính phủ vừa ban hành Nghị định 205/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/9, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Nghị định mới này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 111/2015, kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu sau gần một thập kỷ thực hiện.

Một trong những điểm nổi bật của Nghị định là việc mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ lên đến 70% chi phí cho các hoạt động phát triển thị trường, bao gồm đăng ký thương hiệu, tham gia triển lãm thương mại, tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A), cũng như các hoạt động hợp tác để trở thành nhà cung ứng trong chuỗi công nghiệp.
Nghị định cũng chú trọng đến việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ, với mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư vào máy móc, thiết bị và 70% chi phí đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực vận hành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, cùng các chương trình hỗ trợ công nghệ cao khác.
Đối với các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), các cơ sở xây dựng trung tâm nghiên cứu sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Đồng thời, các dự án này cũng sẽ được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thông qua Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Một điểm mới đáng chú ý khác của Nghị định 205/2025/NĐ-CP là việc mở rộng các ưu đãi liên quan đến môi trường, pháp lý và kiểm định chất lượng. Cụ thể, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho các hoạt động kiểm nghiệm sản phẩm, đo lường – hiệu chuẩn thiết bị, đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch. Các khu công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ được áp dụng các chính sách ưu đãi về môi trường theo quy định hiện hành. Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng các hỗ trợ pháp lý theo Luật Hỗ trợ DNNVV.
Về chính sách đầu tư, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được hưởng các quyền lợi như ưu đãi về thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm thuế và các hình thức khuyến khích đầu tư khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nghị định cũng mở rộng danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển, tập trung vào 6 lĩnh vực trọng điểm, hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi tích cực cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
Admin
Nguồn: VnExpress