Vỡ nợ trăm tỷ vì kinh doanh đất: Bài học đắt giá

Chứng kiến bạn thân từ đỉnh cao giàu có đến bờ vực phá sản vì đầu tư bất động sản, tôi không khỏi trăn trở về vai trò của cơ chế điều tiết thị trường, đặc biệt là thuế trên lãi giao dịch bất động sản.

Bạn tôi, từng thành công trong lĩnh vực phân bón và thức ăn gia súc, đã dồn hết vốn liếng vào bất động sản khi thị trường nóng sốt. Anh vay mượn thêm với hy vọng lướt sóng kiếm lời nhanh chóng. Có thời điểm, tài sản trên giấy của anh được định giá lên tới 500 tỷ đồng. Thế nhưng, thị trường bất động sản nhanh chóng đảo chiều. Đất không bán được, lãi ngân hàng ngày càng chồng chất, đẩy anh vào cảnh nợ nần hàng trăm tỷ đồng. Cuối cùng, anh phải bán tháo tài sản để trả nợ, may mắn thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Những người có tiềm lực tài chính vững mạnh, mua đất để đầu tư dài hạn, để ở hoặc kinh doanh thực tế, thường không lo ngại về thuế. Họ có thể chờ đợi 5, 10 năm và vẫn thu được lợi nhuận từ việc cho thuê hoặc kinh doanh. Ngược lại, chính những nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, mua đi bán lại chỉ để kiếm lời nhanh mới là nguyên nhân chính gây ra biến động lớn trên thị trường. Khi bong bóng bất động sản vỡ, không chỉ họ phải trả giá mà còn kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, từ ngân hàng, doanh nghiệp xây dựng, công nhân đến những người dân có nhu cầu mua nhà thực sự.

Những cơn sốt đất đi qua thường để lại những khu đất hoang vắng và nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Đầu cơ bất động sản đẩy giá nhà lên quá cao so với thực tế, khiến giấc mơ an cư của người lao động ngày càng trở nên xa vời. Trước đây, người có thu nhập trung bình có thể mua nhà sau 10-15 năm làm việc. Bây giờ, con số này là 25 năm, và nếu không có giải pháp hiệu quả, có thể sẽ là 40-50 năm, hoặc thậm chí không bao giờ.

Theo một thống kê tôi từng đọc, thu nhập trung bình của người Việt Nam là khoảng 2.600 USD/năm, trong khi giá nhà trung bình là 62.000 USD, tức là cần hơn 25 năm để mua được một căn nhà. Trong khi đó, tại Singapore, thu nhập trung bình là 89.000 USD/năm, giá nhà khoảng 1,3 triệu USD, tương đương khoảng 15 năm thu nhập. Mặc dù mật độ dân số ở Singapore cao hơn Việt Nam hàng chục lần, việc sở hữu nhà ở lại dễ dàng hơn nhiều.

Sự khác biệt nằm ở chính sách thuế cao đối với đầu cơ bất động sản. Tại Singapore, nếu mua và bán lại bất động sản trong vòng vài năm, người mua có thể phải chịu mức thuế từ 12% đến 20%. Chính sách này không làm cho người nghèo khó tiếp cận nhà ở hơn mà ngược lại, giúp thị trường ổn định, giá cả hợp lý và ít biến động theo xu hướng đầu cơ. Khi giá đất không bị thổi phồng một cách vô lý, những người có nhu cầu thực sự sẽ có cơ hội mua được nhà với mức giá phù hợp hơn với thu nhập của mình.

Một số ý kiến lo ngại rằng việc áp dụng thuế cao có thể làm “chết” thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm này. Thị trường bất động sản vẫn có thể phát triển mạnh mẽ nếu nó gắn liền với các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển hạ tầng, chứ không phải dựa vào những cơn “sóng” đầu cơ và tin đồn. Mục đích của việc đánh thuế cao không phải là triệt tiêu lợi nhuận mà là khuyến khích đầu tư dài hạn và ngăn chặn các hoạt động đầu cơ ngắn hạn, lướt sóng mang tính chất đánh bạc.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đánh thuế trên lãi từ giao dịch bất động sản. Tôi tin rằng chính sách này sẽ giúp thị trường trở nên minh bạch, bền vững và công bằng hơn. Những người có nhu cầu thực sự sẽ không còn phải chạy đua theo giá ảo. Những nhà đầu tư nghiêm túc vẫn có cơ hội sinh lời hợp lý. Và quan trọng nhất, thế hệ tương lai sẽ không phải mất cả đời chỉ để mua được một căn nhà.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *