Trước thông tin Bộ Công Thương đang xem xét trình Chính phủ về lộ trình sử dụng xăng E10 (chứa 10% ethanol) từ 1/1/2026, nhiều chủ xe ô tô, xe máy không khỏi lo lắng về khả năng tương thích của xe và những ảnh hưởng có thể xảy ra khi sử dụng loại xăng này.
Trên thế giới, xăng sinh học (xăng pha cồn ethanol) đã được ứng dụng rộng rãi nhờ khả năng giảm phát thải so với xăng truyền thống, đặc biệt tại Mỹ. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải Anh năm 2021, khoảng 95% phương tiện chạy xăng trên toàn cầu tương thích với xăng E10, và tỷ lệ này ngày càng tăng. Tại Anh, tất cả ô tô sản xuất từ năm 2011 trở đi đều tương thích với xăng E10, và phần lớn xe sản xuất từ cuối những năm 1990 cũng được nhà sản xuất chấp thuận sử dụng.
Tại Việt Nam, trước đây, khi xăng E5 được đưa vào sử dụng thay thế A92, nhiều chủ xe vẫn dùng song song cả E5 và A95 mà không ghi nhận trường hợp hư hỏng nào do E5. Tuy nhiên, với xăng E10 có hàm lượng cồn cao hơn, chủ xe cần kiểm tra kỹ khả năng tương thích của xe.
Cách đơn giản nhất để kiểm tra là tham khảo sách hướng dẫn sử dụng (HDSD) đi kèm theo xe. Các nhà sản xuất thường ghi rõ thông tin về loại nhiên liệu phù hợp và những lưu ý quan trọng để đảm bảo chất lượng xe. Theo tiêu chuẩn, thông tin về loại nhiên liệu tương thích phải được ghi rõ trong tài liệu HDSD, giúp chủ xe lựa chọn đúng loại nhiên liệu và loại trừ trách nhiệm cho nhà sản xuất nếu xe gặp sự cố do sử dụng sai nhiên liệu được khuyến cáo. Sách HDSD có thể ở dạng in hoặc file mềm, dễ dàng tra cứu trên website chính hãng.

Hầu hết các xe đời mới trong khoảng 10 năm trở lại đây đều có thể sử dụng xăng E10 mà không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng và hiệu suất. Tuy nhiên, do quy định có thể khác nhau tùy từng xe, chủ xe vẫn cần nghiên cứu kỹ thông tin trong sách HDSD.
Ví dụ, sách HDSD xe CR-V 2021 lắp ráp tại Việt Nam ghi rằng xe tại Thái Lan có thể dùng xăng sinh học lên tới E85, do đó đương nhiên dùng được xăng E10. Nhưng thị trường Việt Nam lại chỉ quy định sử dụng xăng có chỉ số octane 91 trở lên, không đề cập đến xăng sinh học. Tương tự, sách HDSD xe Mazda6 2021 ghi xe đảm bảo hoạt động ổn định với E10 tại châu Âu, nhưng không nhắc tới thị trường Việt Nam.
Sở dĩ có sự khác biệt này là do nhà sản xuất cần thử nghiệm với loại nhiên liệu tại từng thị trường trước khi đưa ra khuyến cáo. Tiêu chuẩn nhiên liệu khác nhau sẽ kéo theo tiêu chuẩn vật liệu cho xe ở từng thị trường. Điều này có nghĩa là một chi tiết gioăng máy trong động cơ xe ở Thái Lan có thể có tiêu chuẩn khác với xe ở Việt Nam. Do đó, việc CR-V tại Thái Lan dùng E10 tốt không đồng nghĩa với việc xe ở Việt Nam cũng sử dụng được.
Ngược lại, sách HDSD xe Toyota Altis 2022 ghi rõ xe có thể dùng xăng tới E85 mà không giới hạn thị trường, đồng nghĩa với việc xe tại Việt Nam cũng có thể áp dụng được.
Với xe Mitsubishi Xforce, nhà sản xuất khuyến cáo chỉ nên dùng xăng E10, nếu dùng xăng có nồng độ ethanol trên 10% hoặc lẫn methanol có thể làm hỏng hệ thống nhiên liệu, động cơ, các cảm biến và hệ thống khí thải.
Như vậy, nếu sách HDSD không có thông tin về xăng sinh học hoặc thông tin đó chỉ dành cho thị trường khác, người dùng nên liên hệ với cố vấn dịch vụ của đại lý chính hãng để được tư vấn và đảm bảo về mặt bảo hành, bảo dưỡng khi sử dụng xăng sinh học.
Đối với các dòng xe cũ khoảng 15 năm trở lên, không còn sách HDSD và không có thông tin trên website chính hãng, cách tốt nhất là liên hệ trực tiếp với hãng để được hướng dẫn sử dụng nhiên liệu phù hợp.
Ngoài ra, với một số xe nhập khẩu, thông tin về loại xăng sinh học E5, E10 có thể được in trực tiếp trên nắp bình xăng (cả nắp trong và nắp ngoài). Nếu nắp bình xăng có ghi “Up to E10 Gasoline only”, điều này có nghĩa là xe có thể sử dụng xăng E10 hoặc thấp hơn mà không ảnh hưởng đến động cơ và hệ thống nhiên liệu. Một số xe còn in thêm các ghi chú như dấu gạch chéo ngang cụm số E15-E85, cho biết xe không tương thích với xăng E15 đến E85.
Việc tìm hiểu kỹ thông tin và tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ giúp người dùng an tâm hơn khi sử dụng xăng E10, đồng thời đảm bảo tuổi thọ và hiệu suất hoạt động của xe.
Admin
Nguồn: VnExpress