Julio Gonzalez Jr., một người đàn ông Venezuela 36 tuổi, đã chấp nhận việc bị trục xuất khỏi Mỹ và trở về quê hương, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt chính sách nhập cư. Tuy nhiên, chuyến bay hồi tháng 3 xuất phát từ Texas đã đưa anh đến một nơi hoàn toàn khác: Trung tâm Giam giữ Khủng bố (CECOT) ở El Salvador, một “siêu nhà tù” khét tiếng được xây dựng năm 2023 để giam giữ các thành viên cấp cao của băng đảng tội phạm.
Theo lời kể của Gonzalez, “bộ phim kinh dị” bắt đầu từ đây. Mỹ đã trả cho chính phủ Tổng thống El Salvador Nayib Bukele 6 triệu USD để giam giữ hàng trăm người nhập cư bị trục xuất tại nhà tù lớn nhất thế giới này.
Gonzalez cho biết anh rời Venezuela để tìm kiếm cơ hội việc làm. Anh đến Mexico và chờ đợi nhiều tháng ở biên giới, trước khi được Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ tiếp nhận hồ sơ xin tị nạn và cho phép nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ vào tháng 4/2023.

Tuy nhiên, ngay khi đặt chân lên đất Mỹ, Gonzalez bị cáo buộc liên quan đến Tren de Aragua, một băng đảng Venezuela bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài, và bị giam giữ trong một năm. Gonzalez khẳng định mình không có tiền án tiền sự ở bất kỳ nơi nào anh từng sống và làm việc.
Năm 2024, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cho phép Gonzalez được tại ngoại và chuyển về sống cùng người bảo lãnh, nhưng yêu cầu anh đeo thiết bị theo dõi ở chân và chấp hành các cuộc hẹn kiểm tra thường xuyên. Anh làm nhân viên dọn vệ sinh văn phòng và sơn nhà để kiếm sống.
Sau khi không thể đăng ký tị nạn, Gonzalez nộp đơn xin được cấp tình trạng bảo vệ tạm thời, một chương trình của Bộ An ninh Nội địa cho phép công dân của một số quốc gia được phép ở lại và làm việc ở Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khi chờ đợi phản hồi, anh lại bị bắt giam và yêu cầu ký vào tài liệu đồng ý bị trục xuất về Venezuela.
Ban đầu, Gonzalez dự kiến về nhà vào ngày 13/3, nhưng chuyến bay bị hoãn do thời tiết xấu. Anh báo với cha mẹ rằng sẽ về đến nhà vào ngày 15/3. Tuy nhiên, đến 9h sáng ngày 15/3, gia đình mất liên lạc với anh và sau đó phát hiện tên anh trong danh sách tù nhân bị trục xuất đến El Salvador. Gonzalez khẳng định không biết lý do mình bị giam ở CECOT và không phải là thành viên băng đảng hay tội phạm. Chính quyền Mỹ không cung cấp bằng chứng cho cáo buộc này.
Gonzalez kể lại rằng anh và hàng chục người khác bị cùm chân trong suốt chuyến bay. Khi đến El Salvador, họ bị đưa đến CECOT, một khu phức hợp màu xám khổng lồ. Lính gác yêu cầu họ quỳ gối và cúi đầu sát nền nhà, trong khi súng chĩa thẳng vào họ. Một người đàn ông chào đón họ bằng câu nói: “Chào mừng đến với El Salvador, lũ khốn”.
Một trong những trải nghiệm đau đớn nhất của Gonzalez là mất toàn bộ tiền tiết kiệm. Anh đã giấu 6.400 USD trong đồ lót khi bị giam ở Mỹ. Khi đến CECOT, anh bị lột quần áo và mặc bộ đồ tù nhân màu trắng. Sau khi thay đồ, anh không còn thấy số tiền của mình. “Tôi vào đó mà không có điện thoại, không có tiền, không còn gì cả”, anh nói.
Trong suốt 4 tháng ở CECOT, Gonzalez cho biết anh liên tục bị đánh bằng gậy gỗ và bị lính gác đá vào ngực hoặc bụng. Anh không được tiếp xúc với luật sư hay gọi điện cho gia đình. “Các quan chức ở đó đối xử như thể chúng tôi là những tên tội phạm nguy hiểm nhất Trái Đất. Họ cạo trọc đầu và lăng mạ chúng tôi”, Gonzalez kể.
Tại CECOT, những người Venezuela bị giam trong các buồng giam từ 9 đến 15 người. Giường của họ là những chiếc ghế dài bằng kim loại, và họ dùng xô để đựng nước uống và tắm giặt. “Buồng giam trông giống như cái chuồng”, anh nói, và cho biết thêm rằng ban ngày thì nóng bức khó chịu, còn ban đêm thì lạnh buốt.

Các tù nhân phải thức dậy lúc 4h sáng mỗi ngày và có khung giờ tắm cố định. Nếu ai bị phát hiện tắm rửa bằng xô ngoài giờ, họ sẽ bị đưa đến khu vực gọi là “đảo”, nơi lính canh trói tù nhân vào ghế và đánh bằng gậy.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các tù nhân ở CECOT tuyệt thực để phản đối hồi tháng 4. Lính canh đã bắn đạn cao su và đạn nhựa vào tù nhân. Khi những người bị giam giữ yêu cầu được gặp luật sư, cai ngục trả lời “không có chuyện đó ở đây”.
Tù nhân ở CECOT được ăn ba bữa mỗi ngày, với khẩu phần gồm bánh tortilla và hạt đậu. Để giết thời gian, họ chơi cờ vua bằng hạt đậu còn sót lại và tập thể dục.
Sau 125 ngày bị cô lập với thế giới bên ngoài, Gonzalez đã trở về nhà vào tuần trước. Washington đã đồng ý trả tự do cho 252 người Venezuela theo thỏa thuận với Caracas, đổi lại Venezuela thả 10 công dân và thường trú nhân Mỹ bị giam giữ.

Gonzalez đã đoàn tụ với gia đình và nói: “Họ tra tấn chúng tôi cả về thể chất và tinh thần. Những gì đã trải qua thật không thể tả nổi”.
Venezuela cho biết họ đang mở cuộc điều tra đối với một số quan chức El Salvador, bao gồm cả Tổng thống Nayib Bukele, về cáo buộc ngược đãi những người Venezuela bị trục xuất khỏi Mỹ.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết đã trục xuất “gần 300 kẻ khủng bố thuộc băng đảng Tren de Aragua và MS-13” đến CECOT, “nơi họ không còn là mối đe dọa đối với người dân Mỹ nữa”. Trợ lý Bộ trưởng Tricia McLaughlin nói: “Một lần nữa, giới truyền thông lại ra sức bảo vệ các thành viên băng đảng tội phạm bất hợp pháp… Chúng ta nghe quá nhiều về những câu chuyện ‘bi thảm’ của các thành viên băng đảng và tội phạm, nhưng lại không đủ về nạn nhân của họ”.
Admin
Nguồn: VnExpress