Tại hội thảo khoa học “Cập nhật những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm” do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Roche Việt Nam tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đã cảnh báo về gánh nặng bệnh tật ngày càng gia tăng do nhóm bệnh không lây nhiễm gây ra.
Theo bà Xuyên, Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Điểm chung của nhóm bệnh này là diễn tiến âm thầm, kéo dài, nguyên nhân phức tạp và để lại hậu quả nặng nề. Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống thiếu rau quả, ít vận động thể lực và tiêu thụ quá nhiều muối. Tình trạng thừa cân, béo phì và rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính, đặc biệt ở nam giới.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Y khoa Quốc gia, cũng nhấn mạnh rằng các bệnh không lây nhiễm là “cơn sóng ngầm” đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ông đưa ra những con số đáng báo động: mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh tim mạch; gần 183.000 ca ung thư mới mắc và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Bệnh hô hấp mạn tính ảnh hưởng đến 4,2% dân số trên 40 tuổi, trong khi tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành là 5,4%.
Đáng lo ngại hơn, phần lớn bệnh nhân chỉ được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Ví dụ, có đến 65% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn 3 và 4, làm giảm đáng kể cơ hội điều trị thành công. Khoảng 50% người bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh, và chỉ có 1/3 số bệnh nhân được điều trị, trong đó nhiều người không tuân thủ phác đồ điều trị.
Thực trạng này cho thấy tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm, không chỉ giúp tăng cơ hội sống mà còn cho phép can thiệp kịp thời bằng cách thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

Các chuyên gia cho rằng, xét nghiệm y khoa giá trị cao, theo hướng cá thể hóa, đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi tư duy từ “chữa bệnh” sang “chăm sóc chủ động”. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, ví von chẩn đoán như “kim chỉ nam” cho mọi quyết định điều trị, mở ra hướng đi cho y học cá thể hóa.
Ông Kính phân tích, nhờ các dấu ấn sinh học tiên tiến, bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân, dựa trên các yếu tố di truyền, môi trường và lối sống, thay vì áp dụng một phương pháp điều trị chung cho tất cả. Ví dụ, việc phân tích DNA từ khối u trong mẫu máu (ctDNA) có thể giúp theo dõi diễn biến bệnh ung thư và phát hiện tái phát sớm mà không cần phẫu thuật xâm lấn.
Mặc dù nguy hiểm, các bệnh không lây nhiễm hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chủ động theo dõi sức khỏe, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động và tránh các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia và căng thẳng kéo dài.
Admin
Nguồn: VnExpress