Năm 2016, ở tuổi 28, khi vừa trải qua một biến cố tài chính lớn và không còn đồng vốn tích lũy, tôi và vợ (27 tuổi) đã đưa ra một quyết định táo bạo: mua nhà bằng 100% tiền vay mượn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về sự liều lĩnh của mình lúc bấy giờ.
Căn nhà đó nằm trên mặt tiền một trục đường tỉnh lộ lớn, huyết mạch kết nối các xã huyện với trung tâm thành phố. Với diện tích 5x50m, lại ngay sát một trường học, khu vực này còn khá hoang vu và thưa thớt dân cư. Trong khi nhiều người còn e dè, tôi lại nhìn thấy tiềm năng phát triển, tin rằng nơi đây sẽ sớm trở nên sầm uất.
Chủ cũ của căn nhà là một gia đình từ tỉnh khác đến lập nghiệp. Họ đã xây dựng ngôi nhà này một cách tâm huyết, với ý định gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, do không hợp khí hậu, sức khỏe giảm sút, họ buộc phải bán lại. Ban đầu, họ rao bán với giá 590 triệu đồng, một mức giá hời so với giá trị thực tế. Không chút do dự, tôi quyết định mua ngay. Thế nhưng, ngay khi chuẩn bị đặt cọc, họ lại đổi ý.
Hai tuần sau, căn nhà được rao bán lại với giá 650 triệu đồng. Sau ba ngày suy nghĩ, tôi tìm đến hỏi mua. Nhưng đúng vào ngày hẹn đặt cọc, một người họ hàng gần đó lại can thiệp, ép chủ nhà bán lại để trừ nợ. Một lần nữa, tôi ra về trong tiếc nuối.
Một tháng sau, tôi nghe tin căn nhà lại được rao bán, lần này giá đã lên tới 750 triệu đồng. Lần này, tôi quyết định không trực tiếp ra mặt. Tôi biết rằng nếu còn chần chừ, cơ hội sở hữu ngôi nhà sẽ vuột mất. Vì vậy, tôi nhờ một người quen đứng ra đàm phán và đứng tên mua. Tôi chuẩn bị sẵn tiền và hợp đồng cọc, quyết không để họ có cơ hội đổi ý. Ngay khi họ đồng ý bán, người quen của tôi lập tức đặt cọc và yêu cầu ký hợp đồng tại chỗ.
Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau, tôi nhận được cuộc gọi từ chủ nhà. Giọng họ run run: “Anh ơi, cho tụi em xin lại tiền cọc. Em không bán nhà nữa…”. Sau vài giây im lặng, tôi trả lời dứt khoát: “Không được em ạ. Hợp đồng đã ký rồi, không thể thay đổi được nữa”.
Tôi kiên quyết giữ vững lập trường, dựa trên hợp đồng đã ký kết. Suốt nhiều ngày, hai bên giằng co và căng thẳng. Cuối cùng, sau bảy ngày, họ miễn cưỡng ra phòng công chứng để hoàn tất thủ tục sang tên. Đó là cột mốc quan trọng, đánh dấu việc tôi đã mua được ngôi nhà đầu tiên trong đời sau ba lần hụt hẫng và đầy giằng xé.
Ngày nhận nhà, trời nắng gay gắt. Vợ chồng tôi đến nhận chìa khóa, nhưng chủ cũ đã rời đi, mang theo toàn bộ nội thất dù trước đó đã thỏa thuận để lại. Họ để chìa khóa ở nhà hàng xóm. Khi chúng tôi mở cửa bước vào, trời bất ngờ đổ mưa rào. Mưa ào ạt trút xuống, mang theo sự mát lạnh. Tôi đứng giữa căn nhà trống trải, ngước nhìn mái tôn và lắng nghe tiếng mưa rơi lộp độp. Vợ tôi đứng bên cạnh, nắm chặt tay tôi và reo lên: “Anh ơi, nhà mình rồi nè…”. Lúc đó, tôi cảm nhận như có một điều gì đó đang gột rửa những tháng ngày vất vả, chờ đợi và tranh đấu. Một cơn mưa định mệnh, một khởi đầu mới.
Quyết định mua nhà khi không có một đồng vốn nào trong tay là một canh bạc lớn. May mắn thay, nhờ sống tử tế và có uy tín, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người thân yêu. Chúng tôi vay toàn bộ 750 triệu đồng, cả gốc lẫn lãi, và chỉ sau hơn một năm, hai vợ chồng đã trả hết nợ.
Sau khi dọn về nhà mới, tôi mời cậu ruột, một thầu xây dựng lâu năm, đến xem lại kết cấu. Cậu nhận xét: “Nếu ai thuê xây căn nhà này với giá 450 triệu thì cậu cũng không dám nhận. Chất lượng thế này thì làm sao đủ?”. Lúc đó, tôi mới thực sự nhận ra mình đã may mắn mua được một căn nhà được xây dựng tâm huyết, chứ không phải kiểu làm cho có. Tính toán đơn giản, nếu chi phí xây nhà đã là 450 triệu đồng, thì giá đất mà tôi mua chỉ khoảng 300 triệu đồng, tương đương 60 triệu đồng một mét ngang. Đó quả thực là một món hời lớn.
Tôi không mấy quan tâm đến thị trường đất đai sau đó. Đến năm 2018, hai năm sau khi mua nhà, tôi mới nghe tin các lô đất trống gần đó được bán với giá 500 triệu đồng một mét ngang, diện tích tương đương 250m2 như nhà tôi. Không chỉ một người, mà rất nhiều hộ gia đình từ nơi khác cũng đổ về mua đất để ở, chứ không phải để đầu cơ. Điều đó có nghĩa là giá trị căn nhà của tôi đã tăng hơn 8 lần chỉ sau hai năm.
Đến nay đã gần 10 năm kể từ ngày đó, khu dân cư đã trở nên đông đúc, với hàng quán san sát. Trường học, tiện ích và dịch vụ đầy đủ trong bán kính vài cây số. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi: liệu đất đai tăng giá hay tiền đang mất giá? Nếu ngày ấy tôi không liều lĩnh, liệu bây giờ tôi còn có thể mua được ngôi nhà đó nữa không? Tôi lo lắng cho thế hệ trẻ ngày nay. Lương có tăng, nhưng không thể đuổi kịp tốc độ tăng chóng mặt của giá nhà đất. Ước mơ về một tổ ấm dường như đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Admin
Nguồn: VnExpress