Tại khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia, nỗi đau chia cắt đang đè nặng lên những người dân vốn dĩ có mối quan hệ láng giềng hữu hảo. Hàng ngàn người dân phải rời bỏ nhà cửa, tìm nơi trú ẩn tạm bợ trong bối cảnh giao tranh leo thang.

Bà Sai Boonrod, 56 tuổi, một trong số hàng trăm người Thái Lan lánh nạn tại một ngôi đền ở thị trấn Kanthararom, chia sẻ: “Quan hệ trước đây rất tốt, chúng tôi như anh em. Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Tôi chỉ mong giao tranh sớm chấm dứt để chúng tôi có thể trở lại như xưa”.
Cách đó 150 km, bên kia biên giới Campuchia, một người dân 50 tuổi đang trú ẩn tại chùa Phumi Bak Thkav, bày tỏ: “Chúng tôi là hàng xóm, chúng tôi muốn làm bạn. Nhưng họ đang tấn công chúng tôi, chúng tôi phải bỏ nhà cửa chạy trốn”.
Thái Lan và Campuchia có chung đường biên giới dài 800 km, nhưng vẫn còn nhiều khu vực tranh chấp. Các cuộc đụng độ nghiêm trọng đã xảy ra từ năm 2008 đến 2011, cướp đi sinh mạng của ít nhất 28 người. Tuy nhiên, theo bà Sai, tình hình bạo lực hiện tại “căng thẳng hơn bao giờ hết”.
![Nhưng người dân Thái Lan phải rời bỏ nhà cửa sau các cuộc giao tranh biên giới với Campuchia xếp hàng nhận thức ăn tại một trung tâm sơ tán ở tỉnh Surin của nước này hôm 26/7. Ảnh: AP[Click and drag to move]](https://ai24hexpress.com/wp-content/uploads/2025/07/AP25207331888701-3680-1753576152.jpg)
Hơn 170.000 người đã phải sơ tán khỏi khu vực biên giới của cả hai nước. Chồng bà Sai vẫn ở lại để giúp trông coi gia súc và tài sản cho những người hàng xóm. Bà Sai mong mỏi: “Tôi muốn các bên đàm phán, ngừng bắn nhanh chóng để người già có thể về nhà và trẻ em được trở lại trường học”.
Ngày 25/7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức họp khẩn cấp về tình hình giao tranh. Cả hai bên đều tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn, nhưng lại cáo buộc đối phương phá hoại các nỗ lực này.
Ông Suwan Promsri, 73 tuổi, người đã trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng biên giới, nhận thấy cuộc đối đầu hiện nay “rất khác”. Sự bất bình của người dân Thái Lan đối với người Campuchia đang gia tăng nhanh chóng, một phần do những thông tin kích động trên mạng xã hội. Giao tranh đi kèm với làn sóng tin giả và thông tin sai lệch từ cả hai phía.
“Trước khi có Internet, tôi không cảm thấy gì nhiều”, ông Suwan nói. “Nhưng mạng xã hội thực sự đã kích động lòng oán giận”.
Mặc dù còn nhiều chia rẽ, ông Suwan và những người xung quanh đều chung một khát vọng hòa bình với những người Campuchia ở bên kia biên giới. Ông bày tỏ: “Tôi mong chính phủ nhận ra rằng người dân dọc biên giới đang khốn khổ. Cuộc sống rất khó khăn. Tôi hy vọng chính quyền sẽ đàm phán để chấm dứt giao tranh càng sớm càng tốt”.
Admin
Nguồn: VnExpress