Suy giảm trí nhớ là tình trạng suy giảm chức năng não bộ, gây gián đoạn quá trình vận chuyển thông tin và lưu trữ ký ức. Người mắc chứng này thường gặp khó khăn trong việc tập trung, dễ đãng trí khi học tập hoặc làm việc, phản ứng chậm chạp và giảm khả năng đáp ứng công việc. Các biểu hiện có thể đơn giản như quên tắt đèn hoặc khóa cửa khi ra ngoài. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển thành sa sút trí tuệ.

Suy giảm trí nhớ thường gặp ở người lớn tuổi, do từ sau 25 tuổi, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào não chết đi mà không được thay thế. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này có xu hướng trẻ hóa, một phần do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh với nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm giàu năng lượng, cùng với việc sử dụng chất kích thích, thức khuya và thiếu ngủ. Những yếu tố này thúc đẩy sản sinh các gốc tự do, làm tăng nguy cơ tổn thương tế bào thần kinh, dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ. Cơ thể con người có hai loại mỡ: mỡ trắng và mỡ nâu. Ở người béo phì, mô mỡ trắng không chỉ tích trữ năng lượng dư thừa mà còn giải phóng các chất adipokine, gây rối loạn chức năng nội tiết và hệ thần kinh trung ương, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các chứng suy giảm trí nhớ khác. Béo phì còn thúc đẩy tình trạng viêm mạn tính ở mô mỡ, dẫn đến rối loạn hệ thống cân bằng nội môi, gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả các bệnh thoái hóa thần kinh.
Thừa cân, béo phì còn có thể gây rối loạn vi khuẩn đường ruột, ảnh hưởng đến trục ruột – não và dẫn đến thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu cho thấy, người béo phì có thể tích chất xám và độ dày vỏ não giảm khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng cao. Điều này tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức. Do đó, giảm cân có thể giúp kiểm soát chức năng tế bào thần kinh, tăng cường độ dẻo dai của khớp thần kinh, duy trì chuyển hóa năng lượng và cải thiện chức năng nhận thức.
Nếu bạn lo lắng về tình trạng suy giảm trí nhớ, bạn nên đến khám tại chuyên khoa nội tiết hoặc các trung tâm kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra, chỉ định các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tăng cường vận động thể chất, hạn chế căng thẳng, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý bằng cách giảm thực phẩm giàu carbohydrate và đường, tránh xa rượu bia, thuốc lá và các loại đồ uống có gas.
Admin
Nguồn: VnExpress