Chaumet: Ba kỹ thuật chế tác kim hoàn biểu tượng

Được thành lập từ cuối thế kỷ 18, nhà kim hoàn Chaumet đã trải qua 13 thế hệ quản đốc công xưởng cùng đội ngũ nghệ nhân không ngừng nỗ lực, lưu giữ và phát triển những bí quyết chế tác trang sức tinh xảo qua nhiều thế kỷ.

Thương hiệu trang sức cao cấp này nổi tiếng với ba kỹ thuật kim hoàn mang tính biểu tượng, làm nên những thiết kế độc đáo và sang trọng: kim cương dáng quả lê (pear-shape), fil-couteau và trompe l’œil.

Theo ông Charles Leung, CEO của Chaumet, sự uy tín và kinh nghiệm lâu đời của thương hiệu được khẳng định qua việc bảo tàng Louvre thường xuyên tìm đến Chaumet để phục chế các bộ sưu tập trang sức cổ. Ông chia sẻ: “Là nhà kim hoàn lâu đời nhất, sở hữu những kỹ thuật truyền thống và kiến thức chuyên sâu, chúng tôi hiểu rõ trang sức ở thế kỷ 18 được chế tác ra sao và làm thế nào để phục hồi chúng một cách nguyên bản.”

Một trong những kỹ thuật đặc trưng của Chaumet là chế tác kim cương dáng quả lê (pear-shape), hay còn gọi là hình giọt lệ. Những viên kim cương pear-shape của Chaumet được tuyển chọn và chế tác theo tiêu chuẩn khắt khe, chỉ những viên đá đáp ứng đầy đủ bộ 4 tiêu chí (4C) của Viện Ngọc học Mỹ (GIA) mới được sử dụng. Đặc biệt, các viên đá trung tâm trên trang sức phải đạt độ trong suốt D, E, F và được cắt lại theo tỷ lệ vàng 1,48-1,58, một tiêu chuẩn độc đáo của Chaumet nhằm tôn vinh sự hài hòa.

Kiểu dáng kim cương này từng được Nữ hoàng Joséphine, người vợ đầu của Hoàng đế Napoléon Bonaparte, đặc biệt yêu thích. Để tri ân “nàng thơ” của mình, Chaumet đã đặt tên bộ sưu tập trang sức pear-shape là Joséphine. Qua thời gian, dáng kim cương pear-shape và bộ sưu tập Joséphine đã trở thành biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế vượt thời gian của thương hiệu.

Kỹ thuật fil-couteau là một bí quyết khác làm nên sự khác biệt của Chaumet. Kỹ thuật này cho phép chế tác phần khung trang sức mỏng manh đến mức gần như vô hình dưới ánh sáng lấp lánh của kim cương và đá quý. Để đạt được điều này, các nghệ nhân sử dụng một cầu nối kim loại cực mảnh để kết nối các phần của trang sức, vừa đảm bảo độ thanh thoát, nhẹ nhàng, vừa giữ được sự gắn kết chắc chắn.

Fil-couteau còn giúp tăng tính linh hoạt cho các thiết kế chuyển động, như những “giọt” kim cương buông rủ trên bông tai hay dây chuyền Joséphine. Trong bộ sưu tập trang sức cao cấp Jewels by Nature, kỹ thuật này được ứng dụng một cách tinh xảo, giúp bảy viên hồng ngọc Mozambique với tổng trọng lượng 14,03 carat như lơ lửng trên những viên kim cương của chiếc vòng cổ Lay-ơn (Sword Lily).

Để nâng tầm những thiết kế dáng quả lê trứ danh, Chaumet đã phát triển kỹ thuật trompe-l’œil (ảo ảnh thị giác). Kỹ thuật này ghép nhiều viên kim cương giác cắt brilliant thành một khối, tạo ảo giác về một viên kim cương pear-shape lớn. Theo Chaumet, trompe-l’œil là một biến thể của kỹ thuật đính đá điểm hạt (grain-set) và được lấy cảm hứng từ chiếc vương miện Bourbon-Parme nổi tiếng của hãng. Kỹ thuật này được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt trong bộ sưu tập Joséphine.

Năm 2024, Chaumet tiếp tục giới thiệu thiết kế vòng cổ Pearlescent trompe-l’oeil thuộc bộ sưu tập trang sức cao cấp Chaumet en Scène. Sự kết hợp giữa những viên kim cương brilliant kích thước lớn và ngọc trai cúc áo (button pearl) đã tạo nên chi tiết pear-shape kinh điển, khẳng định sự sáng tạo không ngừng của thương hiệu.

Những kỹ thuật kim hoàn trứ danh của Chaumet được lưu giữ cẩn thận tại số 12 quảng trường Vendôme, Paris. Địa điểm này không chỉ là trụ sở, boutique, các phòng salon và xưởng chế tác trang sức cao cấp, mà còn là nơi bảo tồn thư viện đồ sộ với khoảng 66.000 bản vẽ, 36.000 bản in, 360 mẫu trang sức, 800 nguyên mẫu và 500 bản sao vương miện bằng niken, minh chứng cho bề dày lịch sử và di sản vô giá của Chaumet.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *