Hội thảo “Fintech 2025 – Chiến lược tài chính số cho doanh nghiệp” do Swinburne Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia đến từ các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, tổ chức giáo dục và cơ quan hoạch định chính sách. Sự kiện tập trung thảo luận về các xu hướng tài chính số hiện đại và những giải pháp công nghệ tài chính tiên tiến.
Mục tiêu chính của hội thảo là cập nhật những xu hướng mới nhất và đề xuất các giải pháp thiết thực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ trong bối cảnh số hóa đang diễn ra sâu rộng.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Việt Nam kiêm Chủ tịch hội thảo, nhấn mạnh rằng Fintech 2025 đã tạo ra một hệ sinh thái toàn diện trong lĩnh vực tài chính, kết nối các doanh nghiệp tài chính, viện tư vấn chính sách, trường đại học và cộng đồng sinh viên. Ông khẳng định đây là cơ hội để các bên hợp tác, kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính số tại Việt Nam.
Các nội dung trọng tâm của hội thảo tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong lĩnh vực tài chính và quản trị doanh nghiệp. Các chuyên gia đều thống nhất về vai trò quan trọng của một hệ sinh thái tài chính số toàn diện, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực quản trị, tối ưu hóa chi phí và mở rộng cơ hội đầu tư.
PGS.TS. Dimitrios Salampasis, Trưởng khoa FinTech Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), đã trình bày về chủ đề “Xu hướng Tài chính 2.0 trên thế giới và triển vọng tại Việt Nam”. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và AI trong quá trình chuyển đổi tài chính, thông qua các mô hình như ngân hàng mở (open banking) và các công nghệ mới nổi. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tài chính bền vững (ESG) và tài chính nhúng (embedded finance) như những xu hướng định hình tương lai của ngành.
Tiến sĩ Trần Mạnh Nam từ VNPAY đã chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt, bao gồm thiếu vốn, thiếu nhân lực chất lượng cao, quy trình làm việc thủ công và khó khăn trong cạnh tranh số. Ông giới thiệu hệ sinh thái các giải pháp số của VNPAY, bao gồm thanh toán QR, SmartPOS, hóa đơn điện tử, chữ ký số và báo cáo thuế tự động. Các giải pháp này giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí, vận hành hiệu quả hơn và tuân thủ các quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Hiệu, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Fiingroup, nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu trong quản lý tài chính. Theo ông, dòng chảy dữ liệu và thông tin là yếu tố then chốt, và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khai thác hiệu quả dữ liệu nội bộ thông qua kỹ thuật “5 Whys” để tìm ra gốc rễ của vấn đề. Ông cũng đưa ra những quy tắc vàng trong việc khai thác dữ liệu cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Ngoan, Giám đốc Tài chính MISA kiêm Giám đốc điều hành Jetpay, chia sẻ về quá trình số hóa quy trình kế toán – tài chính, tích hợp dữ liệu theo thời gian thực để tối ưu hóa chi phí, minh bạch hóa hoạt động và nâng cao năng lực ra quyết định.

Từ phía ngân hàng, Tiến sĩ Henry K. Lam, Giám đốc cấp cao Khối Ngân hàng số doanh nghiệp Techcombank, đề cập đến việc chuyển đổi số tài chính cho các SME thông qua các xu hướng thương mại khu vực, chuỗi cung ứng và phát triển bền vững. Ông giới thiệu một loạt các giải pháp như vay số, thuê tài chính, tài trợ thương mại, ngân hàng mở, BaaS và sandbox P2P Lending.

Trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, PGS.TS. Phạm Thị Liên, Giám đốc Đào tạo Asia University Vietnam, nhấn mạnh sự bùng nổ của Fintech đã kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực tài chính số. Bà chỉ ra khoảng cách giữa chương trình đào tạo đại học và yêu cầu thực tế của thị trường, đồng thời đề xuất sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hội thảo cũng giới thiệu các chương trình đào tạo ngành Tài chính tại Swinburne Việt Nam và Asia University Vietnam, được xây dựng theo định hướng công nghệ và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn. Cách tiếp cận này được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức học thuật và nhu cầu của thị trường lao động.
Sự phát triển nhanh chóng của tài chính số đang tái định hình hoạt động của doanh nghiệp và tạo ra những thay đổi sâu sắc trong yêu cầu về nhân lực của ngành. Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách là một giải pháp thiết thực để đảm bảo cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Admin
Nguồn: VnExpress