Tháng 6 vừa qua, chị Mai Anh, một du khách đến từ TP.HCM, đã có chuyến khám phá đầu tiên đến Chiang Mai, thành phố vùng núi phía bắc Thái Lan, vào thời điểm nơi đây khoác lên mình màu xanh mát đặc trưng của mùa hè. Dù hiện tại chưa có đường bay thẳng từ TP.HCM, chị đã chọn phương án quá cảnh ở Bangkok, sau đó nối chuyến nội địa để đến Chiang Mai, với tổng thời gian bay từ Bangkok chỉ khoảng một giờ.
Trong bốn ngày ở “phố núi” Chiang Mai, chị Mai Anh đã dành thời gian ghé thăm những địa điểm gần gũi với thiên nhiên, các ngôi chùa cổ kính, dạo bước trong khu phố cổ và mua sắm những món đồ thủ công độc đáo. Điểm dừng chân đầu tiên của chị là Baan Kang Wat, một “ngôi làng nghệ sĩ” ẩn mình dưới chân núi Doi Suthep, gần Wat Umong, phía tây thành phố Chiang Mai.
Baan Kang Wat là một tổ hợp độc đáo, nơi hội tụ các cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, quán cà phê, phòng triển lãm, không gian workshop và khu trình diễn nghệ thuật ngoài trời, tất cả hòa quyện trong không gian xanh mát của cây cối. Đến đây, du khách có thể tham gia các workshop thú vị như làm sổ tay, in tranh, vẽ, nhuộm vải, chế tác trang sức, mua sắm các món đồ thủ công độc đáo và thư giãn tại các quán cà phê xinh xắn. Các cửa hàng ở đây đều do chính các nghệ sĩ và thợ thủ công địa phương làm chủ, mang đến những sản phẩm thủ công độc bản, đậm chất nghệ thuật. Chị Mai Anh chia sẻ: “Ở ‘làng nghệ sĩ’, góc nào cũng đẹp, thu hút đông đảo du khách đến check-in và tạo ra những món đồ thủ công mang đậm dấu ấn cá nhân”.
Một địa điểm khác để tận hưởng trọn vẹn sắc xanh mùa hè ở Chiang Mai là hồ Ang Kaew, một hồ nước nhân tạo nằm trong khuôn viên Đại học Chiang Mai, dưới chân núi Doi Suthep. Ban đầu, hồ được xây dựng để cung cấp nước cho trường, nhưng ngày nay đã trở thành điểm thư giãn quen thuộc của người dân địa phương và sinh viên, nhờ không gian trong lành và sự tách biệt với nhịp sống đô thị ồn ào. Hồ Ang Kaew mở cửa miễn phí cho du khách tham quan từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối hàng ngày.
Hồ được bao quanh bởi những hàng cây cổ thụ xanh mát, với núi Suthep ẩn hiện phía xa. Du khách có thể đến đây để ngắm bình minh hoặc hoàng hôn tuyệt đẹp. Người dân địa phương thường đến đây chạy bộ vào buổi sáng sớm, đi dạo, đạp xe hoặc trải bạt dã ngoại, tận hưởng không khí trong lành.
Vào ngày thứ ba ở Chiang Mai, chị Mai Anh đã thức dậy sớm để đi lễ chùa và dạo quanh khu phố chuyên làm bạc Wualai.
Wat Sri Suphan, hay còn gọi là Chùa Bạc, là một công trình Phật giáo độc đáo nằm trên con phố nghề bạc Wualai. Chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 16 và trải qua quá trình trùng tu từ năm 2008 đến năm 2016. Điểm nổi bật của chùa là chánh điện Ubosot được phủ hoàn toàn bằng bạc, với những chạm khắc tinh xảo từ bạc, niken và nhôm, tái hiện các truyền thuyết Phật giáo, cảnh làng quê và họa tiết hoàng đạo theo phong cách Lanna.
Ẩn sau lớp kim loại sáng bóng là kiến trúc Lanna cổ điển với mái chồng nhiều tầng, cột gỗ tếch chạm trổ và mái hiên trang trí công phu. Trong khuôn viên chùa còn có gian thờ chính (Viharn), bảo tháp (Chedi) và xưởng thủ công, nơi du khách có thể tận mắt chứng kiến các nghệ nhân chế tác bạc. Theo phong tục địa phương, chỉ có nam giới được phép vào chánh điện.
Buổi chiều, chị Mai Anh và nhóm bạn đã tham gia một tour đi bộ khám phá khu phố cổ (Old Town). Chị nhận xét: “Chiang Mai vừa giữ được nét bình yên của núi rừng, kiến trúc cổ kính từ nhiều thế kỷ trước, vừa có nhiều dịch vụ tiện nghi và hiện đại”.
Hành trình khám phá khu phố cổ bắt đầu từ cổng Tha Phae, một trong những biểu tượng lịch sử nổi bật nhất của Chiang Mai. Cổng nằm trên đoạn tường thành cổ được xây dựng từ thế kỷ 13, từng là lối vào chính từ phía đông, đón tiếp các nhà sư, thương nhân, sứ giả và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thương của thành phố.
Kiến trúc cổng được xây bằng gạch đỏ kiên cố, với tường thành có lỗ châu mai và tháp góc kiểu prang mang phong cách phòng thủ Lanna. Ngày nay, quảng trường trước cổng là điểm tụ họp sôi động, nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn như lễ hội đèn trời Loy Krathong, tết té nước Songkran và chợ đêm đi bộ cuối tuần.
Nằm gần cổng Tha Phae là Wat Muen Lan, còn được gọi là “Chùa Của Sự Giàu Có Vô Lượng”. Chùa nổi bật với tòa tháp Chedi nhiều tầng sơn trắng, thân tháp hình chuông được dát vàng, khảm gốm sứ và kính mosaic lộng lẫy.
Ho Trai (thư viện) của chùa có hai tầng, tầng dưới xây bằng đá vững chắc, vòm cổng naga mạ vàng, tầng trên bằng gỗ với lan can chạm khắc tinh xảo và mái đỉnh có tháp trang trí bắt mắt. Wat Muen Lan còn có tháp chuông Ho Rakang với mái hình kim tự tháp, trang trí họa tiết naga bằng vữa và đỉnh chóp mạ vàng. Xung quanh khu phố cổ Old Town có khoảng 36 ngôi chùa, du khách có thể dễ dàng ghé thăm bất kỳ ngôi chùa nào để chiêm bái.

Vào ngày cuối cùng ở Chiang Mai, chị Mai Anh và bạn bè đã đến công viên Chaloem Phrakiat (Suan Chaloem Phrakiat) để dã ngoại. Đây là một công viên ven đô, nằm gần đường vành đai và khu hành chính tỉnh, mở cửa miễn phí từ sáng sớm đến tối muộn. Công viên có bãi cỏ rộng, cây xanh mát, lối đi bộ lát đá và hồ nước nhân tạo.
Vào mùa đông, công viên thường là nơi tổ chức Lễ hội hoa Chiang Mai. Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm công viên là vào lúc hoàng hôn hoặc buổi tối, khi công viên được thắp đèn lung linh. Công viên có bãi đậu xe miễn phí và gần các quầy ẩm thực. Du khách được phép mang theo thú cưng, nhưng nên hạn chế mang đồ ăn, thức uống. Chaloem Phrakiat Park được ví như một “ốc đảo xanh” giữa lòng thành phố Chiang Mai.
Trước khi kết thúc chuyến đi, chị Mai Anh đã dành thời gian ghé thăm các khu chợ trong thành phố. One Nimman, một tổ hợp văn hóa và giải trí nằm ngay trung tâm khu Nimmanhaemin, được thiết kế kết hợp không gian trong nhà và ngoài trời.
Khu phức hợp mở cửa từ 11 giờ sáng đến 10 giờ tối, bao gồm nhiều cửa hàng thời trang, tiệm bán đồ thủ công, quán cà phê, nhà hàng và phòng trưng bày nghệ thuật. Khu chợ trung tâm thường xuyên diễn ra các buổi biểu diễn, quầy ẩm thực đường phố và chợ đêm cuối tuần. Chị Mai Anh hào hứng chia sẻ: “Tôi đã tiêu gần 2 triệu đồng để mua quần áo và túi xách ở các gian hàng bán đồ cũ với giá cả phải chăng, mẫu mã độc đáo và chất lượng tốt”. Chị cũng cho biết sẽ quay lại Chiang Mai vào cuối năm để tham gia lễ hội đèn trời.
Admin
Nguồn: VnExpress