‘Thiên Long Bát Bộ’: Chi tiết Thiếu Lâm Tự gây sốt cộng đồng mạng

Những cáo buộc chấn động liên quan đến trụ trì Thích Vĩnh Tín của chùa Thiếu Lâm đang làm dậy sóng dư luận Trung Quốc, khơi gợi sự liên tưởng đến một chi tiết gây tranh cãi trong tác phẩm “Thiên Long Bát Bộ” của nhà văn Kim Dung.

Vụ việc bắt đầu khi Ban quản lý chùa Thiếu Lâm xác nhận thông tin trụ trì Thích Vĩnh Tín bị tố cáo phạm tội hình sự vào ngày 27/7. Ngay lập tức, chủ đề “Cưu Ma Trí, Thiếu Lâm Tự” đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem và hàng chục nghìn bình luận trên mạng xã hội Weibo. Hiện tại, nhiều cơ quan chức năng của Trung Quốc đang phối hợp điều tra ông Thích Vĩnh Tín về các cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm chiếm dụng vốn dự án và tài sản của chùa, vi phạm giới luật Phật giáo, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ và có con ngoài giá thú.

Thích Vĩnh Tín, thế danh Lưu Ứng Thành, sinh năm 1965 tại thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy. Theo thông tin trên trang web của Thiếu Lâm Tự, ông đến chùa vào năm 1981 và bái trụ trì thứ 29 Thích Hành Chính làm sư phụ. Sau khi trưởng lão Thích Hành Chính qua đời năm 1987, Thích Vĩnh Tín kế thừa y bát và trở thành Trưởng ban Quản lý Thiếu Lâm Tự, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của chùa.

Sự việc đã gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội trong dư luận Trung Quốc. Nhiều người đã chia sẻ đoạn trích từ bộ phim “Thiên Long Bát Bộ” phiên bản năm 1997 của TVB, trong đó nhân vật Cưu Ma Trí tại Thiếu Lâm Tự có câu thoại: “Thiếu Lâm Tự hóa ra là nơi lén giấu nữ sắc, chứa chấp đen tối bẩn thỉu”.

Thoại
“Thiên Long Bát Bộ” 1997: Cưu Ma Trí đối đầu Thiếu Lâm Tự (Video TVB). Ảnh: Internet

Trong nguyên tác “Thiên Long Bát Bộ” của Kim Dung, Cưu Ma Trí đến Thiếu Lâm Tự để thách đấu các nhà sư. Khi giao đấu với tiểu hòa thượng Hư Trúc, thấy Hư Trúc yếu thế, bốn người mặc áo tăng Thiếu Lâm đã rút kiếm tấn công Cưu Ma Trí để bảo vệ. Cưu Ma Trí phát hiện ra họ là nữ giả nam, bèn vạch trần thân phận thật của họ. Lúc này, Cưu Ma Trí đã mỉa mai: “Thiếu Lâm Tự không chỉ ỷ đông mà thắng, mà còn lén giấu nữ sắc, danh dự trăm năm hóa ra là thế này, hôm nay ta được lĩnh giáo rồi”. Bốn người này vốn là Mai Lan Trúc Cúc của cung Linh Thứu, chỉ một mực phụng sự Hư Trúc theo lệnh của Thiên Sơn Đồng Lão.

Kinh khó niệm Châu Hoa Kiện
“Kinh khó niệm”: Nhạc phim “Thiên Long Bát Bộ” 1997 (Video Bilibili). Ảnh: Internet

“Thiên Long Bát Bộ” được Kim Dung ra mắt năm 1963, lấy cảm hứng từ tám loài chúng sinh trong thần thoại Phật giáo. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của ba nhân vật chính: Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự. Ba người kết nghĩa huynh đệ tại Thiếu Lâm Tự và cùng nhau trải qua nhiều biến cố. Tác phẩm truyền tải thông điệp về lòng từ bi và sự hy sinh để hóa giải oán thù. “Thiên Long Bát Bộ” đã được chuyển thể thành nhiều phiên bản điện ảnh và truyền hình, trong đó phiên bản năm 1997 do Huỳnh Nhật Hoa, Trần Hạo Dân và Lý Nhược Đồng đóng chính được đánh giá cao với số điểm 9.1/10 trên Douban.

Chùa Thiếu Lâm là một tu viện Phật giáo với lịch sử hơn 1.500 năm, nằm trong quần thể di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Nơi đây nổi tiếng là cái nôi của môn phái Thiếu Lâm, với câu nói “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm” thể hiện tầm quan trọng của võ phái này. Thiếu Lâm Tự và võ thuật Thiếu Lâm đã nhiều lần xuất hiện trong các tác phẩm văn học và điện ảnh. Trong các tiểu thuyết của Kim Dung, Thiếu Lâm được coi là một trong những môn phái chính nghĩa hàng đầu, sánh ngang với Võ Đang, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chính nghĩa trong giới võ lâm.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *