Trước khi vướng vào những lùm xùm liên quan đến điều tra trụ trì Thích Vĩnh Tín, Thiếu Lâm Tự từng là niềm tự hào của người dân Trung Quốc và những người yêu thích võ thuật trên toàn thế giới. Ngôi chùa này được biết đến như cái nôi của Kungfu Thiếu Lâm, nơi sản sinh ra vô số bậc thầy võ thuật, và là một biểu tượng văn hóa đặc sắc của đất nước tỷ dân. Thiếu Lâm cũng là một trong những môn phái võ thuật được nhắc đến nhiều nhất trong các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Kim Dung như “Thiên Long Bát Bộ” và “Tiếu Ngạo Giang Hồ”.

Thiếu Lâm Tự, một ngôi chùa Phật giáo, tọa lạc trên núi Tung Sơn, một trong Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc, thuộc địa phận thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam. Chùa được xây dựng vào năm 495 theo lệnh của Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy.
Ban đầu, kiến trúc của chùa khá đơn giản, nhưng qua các triều đại, Thiếu Lâm Tự ngày càng được mở rộng. Nhiều công trình kiến trúc hiện tại có niên đại từ thời nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1912).

Các công trình quan trọng của chùa được xây dựng dọc theo trục trung tâm, bao gồm cổng chùa, lầu chuông và trống, điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, phòng trụ trì và nhà lưu giữ kinh sách. Điện Đại Hùng là công trình lớn nhất trong quần thể, nổi bật với những bức tranh tường được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Các công trình này được xây dựng bằng gỗ và đá, với ngoại thất sơn màu đỏ và các chi tiết trang trí màu xanh lá cây.

Gần Thiếu Lâm Tự là một di sản kiến trúc nổi tiếng khác, “Rừng Tháp”, bao gồm 246 ngôi mộ được đánh dấu bằng các bảo tháp với kiến trúc đa dạng. Sự đa dạng về kiến trúc, cùng với vai trò quan trọng của chùa là nơi khai sinh của Thiền tông, đã giúp Thiếu Lâm Tự trở thành một trong những di tích Phật giáo quan trọng nhất ở Trung Quốc. Năm 2010, UNESCO công nhận Thiếu Lâm Tự là Di sản Thế giới, cùng với các di tích lịch sử khác ở Đăng Phong, dưới chân núi Tung Sơn.
Những người hâm mộ tiểu thuyết và phim cổ trang Trung Quốc chắc hẳn đều quen thuộc với câu nói “thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm”, có nghĩa là mọi loại võ thuật trên thế giới đều bắt nguồn từ Thiếu Lâm. Võ thuật Thiếu Lâm nổi tiếng với đặc điểm “nhẹ như mèo, nhanh như hổ, di chuyển như rồng, ra đòn như chớp, tiếng hô như sấm”. Môn phái này cũng có nhiều bài quyền nổi tiếng như Mai Hoa quyền, Ngũ Hình quyền, Trường quyền và La Hán quyền.
Với danh tiếng lẫy lừng và lịch sử lâu đời, Thiếu Lâm Tự là một điểm đến du lịch hấp dẫn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới thời trụ trì Thích Vĩnh Tín, ngôi chùa này từng vướng phải nhiều tai tiếng. Vào năm 2015, Thích Vĩnh Tín và Thiếu Lâm Tự gây tranh cãi khi công bố kế hoạch xây dựng một tổ hợp khách sạn trị giá 297 triệu đô la Mỹ tại Australia, bao gồm một ngôi chùa, một học viện kungfu nội trú và một sân golf.
Hiện nay, chùa mở cửa một phần diện tích cho du khách tham quan. Địa điểm nổi tiếng nhất đối với du khách Việt Nam là Tàng Kinh Các, nơi được nhắc đến trong nhiều tiểu thuyết của Kim Dung, hiện là nơi lưu giữ các bộ kinh và các bí kíp võ thuật quý giá.
Giá vé vào chùa là 80 tệ (khoảng 300.000 đồng). Khi đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp mà còn có thể tham gia các lớp học võ Thiếu Lâm chính thống hoặc xem các buổi biểu diễn võ thuật. Thời gian lý tưởng để tham quan chùa là từ tháng 3 đến tháng 11, khi thời tiết thuận lợi. Các công ty du lịch địa phương khuyên du khách nên dành từ nửa ngày đến một ngày để khám phá hết vẻ đẹp của Thiếu Lâm Tự.
Chùa mở cửa đón khách từ 7h30 đến 18h (từ tháng 3 đến tháng 11) và từ 8h đến 17h30 (từ tháng 12 đến tháng 2). Du khách có thể đặt tour du lịch hoặc đi xe buýt, taxi từ thành phố Trịnh Châu (cách 90 km), Lạc Dương (cách 55 km) hoặc trung tâm thành phố Đăng Phong (cách 15 km) để đến Thiếu Lâm Tự. Dù trải qua nhiều thăng trầm, Thiếu Lâm Tự vẫn là một điểm đến mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Admin
Nguồn: VnExpress