Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận khung về thương mại vào ngày 27/7, tránh được nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai đồng minh lâu năm. Viễn cảnh này từng đe dọa đẩy giá cả hàng hóa lên cao và làm chậm tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với phần lớn hàng hóa từ châu Âu xuống mức 15%. Mức thuế này cao hơn 5% so với mức hiện tại (10%) và cao hơn đáng kể so với mức trung bình 1,2% trước khi chính quyền ông Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 30% mà ông Trump từng đề xuất trong thư báo thuế nếu không đạt được thỏa thuận.
Jörn Fleck, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm châu Âu thuộc Atlantic Council, nhận định trên CNN rằng Mỹ và châu Âu dường như đã tạm thời tránh được một cuộc chiến “tự hủy” trong mối quan hệ thương mại và đầu tư sâu rộng nhất thế giới.
Thỏa thuận khung này mang lại sự thở phào nhẹ nhõm cho cả hai bên. Vào cuối tháng 5, một kịch bản như vậy dường như là không thể. Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cơn giận dữ vì đàm phán gần như không có tiến triển, đã viết trên mạng xã hội Truth Social rằng các cuộc thảo luận “chẳng đi đến đâu”. Một ngày sau, ông tuyên bố sẽ tự thiết lập thỏa thuận với mức thuế 50%.
Tuyên bố này đã gây sốc cho các nhà đàm phán thương mại châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU buộc phải hành động nhanh chóng để thúc đẩy tiến trình đàm phán. Sau cuộc gọi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, với cam kết EU sẽ hành động “nhanh chóng và dứt khoát”, ông Trump đã rút lại lời đe dọa và đồng ý tiếp tục thảo luận.
Theo Reuters, châu Âu cuối cùng đã phải thừa nhận rằng họ không có đủ lợi thế để kéo Mỹ vào một thỏa thuận thương mại theo ý mình. Thay vào đó, EU chấp nhận một thỏa thuận nằm trong khả năng chịu đựng của họ và rõ ràng nghiêng về phía Mỹ.
Mức thuế 0% đã được hai bên nhất trí đối với một số mặt hàng chiến lược, bao gồm máy bay và linh kiện máy bay, một số loại hóa chất và thuốc. Tuy nhiên, bà von der Leyen cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra về thuế đối với rượu vang và rượu mạnh, trong khi thuế nhôm và thép vẫn giữ nguyên ở mức 50%.
Khi được hỏi liệu mức 15% có được coi là một thỏa thuận tốt cho các hãng xe châu Âu hay không, bà von der Leyen trả lời rằng 15% không phải là một mức có thể xem nhẹ, nhưng đó là con số tốt nhất mà họ có thể đạt được.
Thỏa thuận này càng trở nên đáng chú ý hơn khi châu Âu từ lâu đã định vị mình là một siêu cường xuất khẩu, luôn ủng hộ giao thương dựa trên quy tắc chung, vì lợi ích của cả khối và toàn cầu. Giới phân tích cho rằng thỏa thuận này cũng là một lời cảnh báo đối với tham vọng của EU trong việc trở thành một thế lực kinh tế có thể đối trọng với Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù thỏa thuận thương mại này sẽ giúp châu Âu tránh được suy thoái, nhưng nền kinh tế của khối vẫn bị kìm hãm. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm nay trong trường hợp bị áp thuế, với tốc độ chỉ 0,5-0,9%. Nếu không bị áp thuế, GDP của khối có thể tăng hơn 1%.
Trước khi ông Trump nhậm chức, thuế trung bình đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ là 1,5%. Ngay cả khi Anh đàm phán được mức thuế 10% với Mỹ hồi tháng 5, các quan chức châu Âu vẫn tin rằng họ có thể làm tốt hơn, là đưa thuế về 0%. Khi đó, họ tin rằng EU có sức mạnh kinh tế để đối đầu với ông Trump.
Một quan chức cấp cao tại châu Âu cho biết EU không có nhiều đòn bẩy hơn Mỹ và chính quyền Trump không hề vội vã. Tuần trước, người này đã tiết lộ rằng thuế mới có thể ở mức 15%.
Nhiều quan chức khác cũng chỉ ra rằng châu Âu đang chịu áp lực từ các doanh nghiệp xuất khẩu trong khối. Sự bất ổn thương mại đã bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty như hãng viễn thông Nokia (Phần Lan) và hãng thép SSAB (Thụy Điển).
Một nhà ngoại giao khác của EU giải thích rằng họ đang chơi một ván bài xấu và thỏa thuận này là tốt nhất có thể trong tình hình hiện tại. Diễn biến trong vài tháng qua đã cho thấy rõ sự bất ổn thương mại toàn cầu ảnh hưởng đến doanh nghiệp châu Âu như thế nào.
Sự mất cân đối cũng thể hiện rõ trong thỏa thuận. Không chỉ hủy bỏ kế hoạch trả đũa và mở cửa với hàng hóa Mỹ, châu Âu còn đồng ý mua 750 tỷ USD sản phẩm năng lượng, đầu tư 600 tỷ USD vào nước này và mua thêm thiết bị quân sự Mỹ. Thời gian cho các khoản đầu tư này chưa được công bố.
Trong quá trình đàm phán, EU dường như cũng nhận ra rằng họ sẽ thiệt hại nhiều hơn nếu đối đầu toàn diện. Các biện pháp trả đũa mà EU từng đe dọa chỉ áp dụng với khoảng 93 tỷ euro hàng Mỹ, chưa bằng một nửa thặng dư thương mại hàng hóa của họ với nước này.
Một số nước thành viên EU từng ủng hộ áp dụng các biện pháp trả đũa quy mô lớn, nhắm vào lĩnh vực dịch vụ thay vì hàng hóa. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đạt được đồng thuận trong việc đánh vào các dịch vụ số của Mỹ như Netflix, Uber hay điện toán đám mây của Microsoft, vì đây là những nền tảng được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng và không có nhiều lựa chọn thay thế trong khối.
Hiện chưa rõ liệu thỏa thuận với Mỹ có thúc đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu tăng tốc cải tổ kinh tế và đa dạng hóa đồng minh thương mại hay không. Đây là những cam kết mà họ đã đưa ra từ lâu, nhưng chưa thực hiện được do các nước thành viên không thống nhất.

Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ (BGA) Đức Dirk Jandura đánh giá thỏa thuận với Mỹ là một “sự nhân nhượng đau đớn” và là “mối đe dọa hiện hữu” đối với nhiều nước thành viên. Ông kêu gọi đã đến lúc châu Âu giảm sự phụ thuộc vào đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Ông kết luận rằng những tháng vừa qua là một hồi chuông cảnh tỉnh và châu Âu cần chuẩn bị chiến lược cho tương lai, đồng thời cần các hiệp định thương mại mới với những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới.
Admin
Nguồn: VnExpress