Xu hướng: Giới trẻ sống kín đáo trong tình yêu

Giữa thế giới mạng xã hội ồn ào, một bộ phận giới trẻ Gen Z đang dần chuộng lối sống kín đáo trong chuyện tình cảm, ưu tiên sự riêng tư và những khoảnh khắc chân thực.

Val, một cô gái đang sống cùng hôn phu ở Texas, chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy mãn nguyện khi được sống riêng tư, không ai dòm ngó vào mối quan hệ của mình.” Cô là một ví dụ điển hình cho xu hướng “tuyệt đối không tiết lộ chuyện tình cảm,” nơi mà hạnh phúc hay khó khăn trong tình yêu đều được giữ kín, tránh xa khỏi mạng xã hội, bạn bè và thậm chí cả người thân.

Phong trào “yêu đương thầm lặng” này đang thu hút sự chú ý lớn. Trên TikTok, các video chia sẻ về chủ đề này nhận được hàng chục nghìn lượt xem. Pinterest cũng ghi nhận sự tăng vọt 190% trong lượng tìm kiếm về “đăng ký kết hôn ở tòa thị chính” từ năm 2023 đến 2024.

Rae Weiss, một chuyên gia hẹn hò và nhà nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Columbia, giải thích rằng xu hướng này xuất phát từ sự bất an ngày càng tăng khi mạng xã hội bóp méo các mối quan hệ. Những cặp đôi thường xuyên khoe khoang về những kỳ nghỉ xa hoa, những buổi hẹn hò hoàn hảo và những món đồ đôi sành điệu, nhưng thực tế, đó chỉ là những hình ảnh được chọn lọc và dàn dựng kỹ lưỡng.

Weiss nhấn mạnh: “Mạng xã hội chỉ phô diễn những khoảnh khắc đẹp nhất, những góc ảnh hoàn hảo nhất, qua những bộ lọc lung linh nhất. Người trẻ nhận ra điều đó tạo ra sự lệch lạc và khiến họ bất an khi mối quan hệ của mình không được lung linh như vậy.”

Thực tế, mọi mối quan hệ đều trải qua những khoảnh khắc phức tạp, lộn xộn hoặc tẻ nhạt – những điều mà thuật toán mạng xã hội không ưu ái, trừ khi có yếu tố “drama”. Một nghiên cứu năm 2023 chỉ ra rằng việc khoe khoang tình yêu trên mạng càng nhiều thì mức độ hài lòng trong mối quan hệ càng thấp, đồng thời dễ hình thành kiểu gắn bó lo âu. Do đó, việc Gen Z chuyển sang yêu thầm lặng là một cách để giải phóng bản thân khỏi áp lực phải hoàn hảo và trở về với những cách thể hiện tình cảm chân thành, thực tế hơn.

Tiến sĩ Pamela Rutledge, giáo sư danh dự tại Đại học Fielding Graduate, cho biết: “Việc không phải chạy đua với những bài đăng của người khác giúp tránh được sự ghen tỵ hoặc những kỳ vọng lệch lạc khi so sánh tình yêu của mình với người khác.”

Val chia sẻ rằng cô từng cảm thấy áp lực phải thể hiện tình yêu trên mạng, nhưng sau đó cô nhận ra rằng “nó giống như tôi đang cố gắng chứng minh chúng tôi yêu nhau, trong khi bằng chứng đã hiển hiện ngay xung quanh.”

Jason, 21 tuổi, đã yêu nhau gần một năm nhưng chưa từng đăng ảnh lên mạng. Anh thừa nhận rằng lý do chính là muốn tránh bị đánh giá hoặc soi mói. “Tôi thậm chí còn hạn chế kể chuyện tình cảm cho bạn bè,” chàng sinh viên Đại học British Columbia (Vancouver) tiết lộ.

Điều khiến Jason ngại chia sẻ không phải là sợ bị chỉ trích công khai, mà là nỗi ám ảnh về những tin nhắn nhóm, tin nhắn riêng tư hoặc những màn “điều tra Instagram” do người quen tự khởi xướng.

Giáo sư Brooke Duffy (ĐH Cornell) gọi cảm giác “luôn có ai đó theo dõi,” dù không hiện diện thực sự, là “giám sát tưởng tượng” – một kiểu lo âu xã hội của thế hệ mạng xã hội. Điều này dẫn đến việc những câu chuyện riêng tư dễ bị mổ xẻ, biến tướng và thậm chí trở thành chủ đề bàn tán trong các nhóm chat.

Jillian St. Onge, 26 tuổi, sống tại New York, đã đính hôn nhưng vẫn giữ kín chuyện này với gia đình. Cô giải thích: “Khi mọi người biết quá sớm, bạn sẽ cảm thấy như mắc nợ họ một lời giải thích nếu mọi chuyện không diễn ra như mong đợi.”

Tuy nhiên, một số người nhận ra rằng kín tiếng tuyệt đối cũng không phải là điều tốt. Họ tìm cách chia sẻ một cách ẩn ý, ví dụ như “soft launch” – đăng ảnh hai đĩa ăn trên bàn, hai bóng người bên tường trắng hoặc hai đôi giày xếp cạnh nhau.

Với St. Onge, một bài “soft launch” sau 5 tháng hẹn hò là mức độ riêng tư vừa đủ. Jason cũng phân biệt rõ giữa việc đăng lên trang cá nhân (ảnh tồn tại vĩnh viễn) và story (tự động ẩn sau 24 giờ).

Chuyên gia tâm lý hôn nhân Lia Huynh ở California cho rằng từ góc nhìn bên ngoài, “giữ kín” và “giấu giếm” có vẻ giống nhau, nhưng động cơ lại khác biệt. Giữ kín là để bảo vệ và cẩn trọng, không phải để giấu giếm. Những người chọn giữ kín không xấu hổ về người yêu của mình, họ chỉ muốn giữ gìn mối quan hệ khỏi những ánh nhìn không cần thiết.

Lia Huynh khuyên rằng những người chọn sự riêng tư nên tự hỏi: “Tôi làm điều này vì yêu và trân trọng, hay để giữ lối thoát?” và hãy giải thích rõ điều đó với đối phương.

Weiss cũng khuyên các cặp đôi nên xác định xem mức độ kỳ vọng về sự công khai có khớp nhau hay không. Nếu một người coi trọng ý kiến của bạn bè hơn người kia, rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Ngoài ra, cũng nên có ít nhất một vài người bạn tin tưởng để chia sẻ, trong trường hợp những mâu thuẫn nội bộ không thể tự giải quyết.

Ngày càng nhiều người trẻ kín tiếng chuyện tình yêu. Ảnh: CNN
Vì sao giới trẻ ngày càng kín tiếng về chuyện tình yêu?. Ảnh: Internet

Tiến sĩ Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông, nhận định rằng xu hướng “yêu thầm lặng” là một tín hiệu tích cực. “Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ học cách sống trọn vẹn với hiện tại, bớt lệ thuộc vào sự xác nhận từ bên ngoài.”

Chuyên gia này kết luận: “Không bắt buộc ai cũng phải sống kín tiếng, nhưng bất kỳ điều gì giúp bạn chủ động sử dụng mạng xã hội, thay vì bị cuốn theo nó, đều là một dấu hiệu đáng mừng.”

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *