Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Ukraine, ông Oleksandr Merezhko, người từng đề cử cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình vào cuối năm 2024, mới đây đã rút lại đề cử này. Ông Merezhko, một thành viên của đảng cầm quyền do Tổng thống Volodymyr Zelensky lãnh đạo, trước đó kỳ vọng rằng việc đề cử sẽ khuyến khích ông Trump, nếu đắc cử, sẽ nỗ lực hơn nữa để chấm dứt xung đột.
Trong thư đề cử ban đầu, ông Merezhko ca ngợi những “đóng góp đáng kể cho hòa bình thế giới” của ông Trump và tin rằng ông có tiềm năng đóng góp nhiều hơn nữa trong tương lai.
Tuy nhiên, trong bức thư gửi Ủy ban Nobel ngày 24/6, ông Merezhko thông báo quyết định rút lại đề cử, bày tỏ sự “mất niềm tin” vào khả năng của ông Trump trong việc giải quyết xung đột. Ông Merezhko viết: “Ông Trump chỉ nhắm mắt làm ngơ trước các hành động tấn công của Nga. Tôi không còn tin rằng ông ấy sẽ thực hiện bất cứ lời hứa nào.”

Quan hệ giữa Mỹ và Ukraine đã trải qua những giai đoạn căng thẳng sau khi ông Trump nhậm chức. Tổng thống Mỹ từng phản đối việc viện trợ vô điều kiện cho Ukraine và có những tranh cãi gay gắt với lãnh đạo Ukraine tại Nhà Trắng. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine kéo dài mà không đạt được kết quả, có lẽ đã khiến ông Trump không còn quyết tâm như trước.
Trước đó, sau khi ông Trump đóng vai trò trung gian trong việc thiết lập lệnh ngừng bắn giữa Iran và Israel sau 12 ngày giao tranh, nhiều người đã kêu gọi trao cho ông giải Nobel Hòa bình. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Buddy Carter thậm chí đã gửi thư đề cử ông Trump cho giải Nobel Hòa bình, ghi nhận “vai trò phi thường và mang tính lịch sử” của ông trong việc giúp chấm dứt xung đột Iran – Israel. Dù vậy, ông Trump từng bày tỏ sự hoài nghi, cho rằng dù ông có làm gì “cũng sẽ không nhận được giải Nobel Hòa bình”.
Giải Nobel Hòa bình được quyết định bởi một ủy ban gồm 5 người do quốc hội Na Uy lựa chọn, dựa trên danh sách các ứng viên được đề cử bởi các học giả, nghị sĩ và lãnh đạo quốc gia. Theo di chúc của người sáng lập giải Nobel, giải thưởng này được trao cho cá nhân hoặc tổ chức “có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình”.
Admin
Nguồn: VnExpress