Tiệm tạp hóa doanh thu 250 triệu: Vấn đề và giải pháp

Gia đình dì tôi đã gắn bó với việc kinh doanh tạp hóa suốt mấy chục năm. Quầy hàng của dì không chỉ phục vụ nhu cầu mua lẻ của bà con xung quanh chợ mà còn đóng vai trò như một đại lý nhỏ, cung cấp hàng sỉ cho một vài cửa tiệm lân cận.

Nhờ lượng khách quen ổn định và các mối hàng sỉ đều đặn, mỗi tháng, doanh thu của tiệm dì vào khoảng 250 triệu đồng. Thời học sinh cấp ba, mỗi dịp hè đến, tôi thường sang phụ giúp dì dượng bán hàng. Công việc khá bận rộn, có những ngày tôi phải đi giao hàng tận bến xe hoặc phụ giúp sắp xếp hàng hóa, ghi đơn.

Tiệm tạp hóa của dì có bốn người làm việc: dì, dượng, một người con và một nhân viên bán hàng. Mọi người luân phiên nhau làm việc, ai rảnh việc gì thì làm việc đó.

Tuy nhiên, cách thức hoạt động của tiệm lại khá đơn giản, tương tự như nhiều cửa hàng hộ gia đình khác trên khắp cả nước. Việc quản lý hàng hóa chưa được thực hiện bài bản, không có phần mềm hỗ trợ. Tình trạng thất thoát hàng hóa xảy ra thường xuyên, nhiều khi mất cả vài ngày mới phát hiện ra để đặt hàng bổ sung. Thậm chí, có lúc khách hỏi mua hàng nhưng không tìm thấy do để không đúng vị trí.

Những chuyện cãi vã, to tiếng giữa dì và dượng diễn ra như cơm bữa, thường là do khách hỏi mua một món hàng nào đó nhưng tìm mãi không thấy, sau đó mới phát hiện ra là đã bán hết mà quên ghi sổ.

Tiền bạc được cất giữ trong hộc tủ, đến tối mới đem ra đếm lại và ghi chép thủ công vào sổ. Cùng lúc đó, xe tải chở hàng thường xuyên đến giao vào buổi chiều tối, sau khi người khuân vác chuyển hàng vào, người nhà lại tất bật sắp xếp lên kệ theo thói quen.

Thêm vào đó, mỗi khách hàng lại được bán với một giá khác nhau: mua ít giá khác, mua nhiều giá khác, khách quen thì lại được ưu đãi giá rẻ hơn một chút… Tôi nhận thấy tiệm tạp hóa của dì đang đối mặt với rất nhiều bất ổn trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Trong thời đại hiện nay, trí nhớ có lẽ không còn là một công cụ đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cửa hàng tiện lợi, cùng với đó là sự cạnh tranh về giá cả, khuyến mãi và sự minh bạch trong quản lý doanh thu, đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các tiệm tạp hóa truyền thống như của dì tôi.

Việc quản lý lỏng lẻo của các tiệm tạp hóa kinh doanh hộ gia đình phần lớn xuất phát từ hạn chế về năng lực và điều kiện. Họ thiếu kỹ năng kế toán, chưa từng tiếp xúc với các phần mềm quản lý bán hàng và quan trọng nhất là chưa có đủ sự tổ chức để vận hành một cách chuyên nghiệp như một doanh nghiệp thực thụ.

Và đây chính là điểm nghẽn của mô hình kinh doanh truyền thống hiện nay. Một hệ thống kinh doanh mang dáng dấp của một công ty mini nhưng lại vận hành dựa trên trí nhớ, niềm tin và kinh nghiệm cá nhân sẽ rất dễ gặp rủi ro nếu bị đặt vào khuôn khổ hành chính, sổ sách và các nghĩa vụ pháp lý như một công ty thực thụ.

Chúng ta đang nói rất nhiều về chuyển đổi số, nhưng tôi cho rằng bước đầu tiên là nên hỗ trợ các hộ kinh doanh bắt đầu từ sự thấu hiểu, sự hỗ trợ và một lộ trình cụ thể.

Nếu cứ để những người như dì tôi loay hoay giữa sổ tay và hộc tủ, trong khi chính sách thuế ngày càng siết chặt, thì họ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn và “bất ổn”.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *