Thiết giáp Israel: Quy định an toàn nào gây tử vong cho tiểu đội?

Vụ phục kích xe thiết giáp chở quân Puma của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 24/6, khiến 7 quân nhân thiệt mạng, đang dấy lên những lo ngại về điểm yếu trong chiến thuật và trang bị của quân đội Israel.

Ban đầu, IDF cho rằng chiếc Puma thuộc Tiểu đoàn Công binh số 605 bị phá hủy do vướng phải mìn tự chế do Hamas gài. Tuy nhiên, ngày 26/6, Hamas công bố video cho thấy một tay súng đã tiếp cận xe, trèo lên và thả một đầu nổ xuyên tự định hình (EFP) qua cửa nóc đang mở, gây ra vụ nổ lớn và khiến xe bốc cháy.

Sự việc này đã làm dấy lên những chỉ trích về quy trình tác chiến và khả năng phòng vệ của xe Puma. Báo Ynet của Israel nhận định vụ việc cho thấy điểm yếu nghiêm trọng của IDF ở Dải Gaza, trong khi tờ JFeed cho rằng Hamas đã lợi dụng quy định tác chiến của Tel Aviv để thực hiện cuộc phục kích thành công.

Theo cây bút Gila Isaacson của JFeed, thời điểm xảy ra vụ việc, chiếc Puma đang tham gia chiến dịch của Lữ đoàn Thiết giáp số 188 tại Khan Younis. Một máy bay Israel được lệnh ném bom mục tiêu gần vị trí của lữ đoàn. Để đảm bảo an toàn, các binh sĩ đã tuân thủ quy trình chui vào xe thiết giáp để tránh mảnh văng.

Đáng chú ý, dù cửa nóc ở vị trí lái xe đã đóng, hai cửa trên nóc khoang chở quân lại mở. Tay súng Hamas đã lợi dụng sơ hở này để tiếp cận và tấn công chiếc Puma. Isaacson nhận xét địa hình đô thị dày đặc ở Gaza tạo điều kiện cho các tay súng Hamas ẩn nấp, trong khi xe Puma không được trang bị giáp lồng và hệ thống phòng vệ chủ động như xe tăng chủ lực, khiến nó trở thành “cái bẫy chết người”.

Giây phút tay súng Hamas áp sát, thả đầu nổ phá hủy thiết giáp Israel
Hamas tấn công thiết giáp Israel ở Gaza: Video vụ nổ ngày 24/6. Ảnh: Internet

Ngoài ra, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng ở gần đó dường như không phát hiện ra tay súng Hamas. Một vụ nổ cũng phát ra từ hướng thiết giáp này trước khi chiếc Puma bị phá hủy, nhưng nguyên nhân chưa được xác định. IDF đang điều tra vì sao các kíp xe không phát hiện được đối phương ở khoảng cách gần như vậy.

Thiết giáp Puma của Israel tại Dải Gaza ngày 16/5. Ảnh: IDF
Thiết giáp Puma của Israel tại Dải Gaza: Ảnh IDF ngày 16/5. Ảnh: Internet

Thiết giáp chở quân hạng nặng Puma được Israel phát triển từ những năm 1990, sử dụng khung thân xe tăng chủ lực Sho’t (biến thể của Centurion do Anh chế tạo). Xe được trang bị ba súng máy 7,62 mm, một súng cối 60 mm và hai súng phóng lựu khói. Một số xe còn được lắp tổ hợp rocket phá mìn Carpet, bộ cày mìn và hệ thống gây nhiễu điện tử.

Giới chuyên gia cảnh báo mối đe dọa từ thiết bị nổ tự chế (IED) ngày càng gia tăng ở Dải Gaza và cho rằng các thiết giáp lạc hậu như Puma dễ bị tổn thương. Họ nhấn mạnh quân đội Israel có thể phải chịu thêm nhiều thương vong nếu không cải thiện khả năng phòng vệ của các phương tiện này.

Isaacson kết luận vụ phục kích ngày 24/6 không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, mà là một đòn tấn công được tính toán kỹ lưỡng, khai thác những lỗ hổng đã tồn tại từ trước. Bà cho rằng các tay súng ở Dải Gaza đã theo dõi hoạt động của IDF trong gần hai năm qua, nắm rõ chiến thuật của quân đội Israel và tận dụng mọi cơ hội để gây thiệt hại.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *