Thi hộ TOEIC ở Nhật: Sinh viên Trung Quốc bị bắt

Vương Lợi Khôn, 27 tuổi, nghiên cứu sinh năm thứ hai chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Kyoto, đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 18/5 với cáo buộc thi hộ bằng giấy tờ giả trong một kỳ thi TOEIC.

Theo điều tra, cảnh sát phát hiện Vương Lợi Khôn sử dụng một microphone siêu nhỏ giấu trong khẩu trang và kính thông minh kết nối với điện thoại di động. Họ nghi ngờ rằng anh ta có ý định dùng thiết bị này để truyền đáp án cho các thí sinh khác thông qua tai nghe không dây. Trước đó, Vương đã bị bắt giữ vì nghi ngờ sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để thi hộ tại một địa điểm thi khác.

Sau khi bị bắt, Vương khai rằng anh ta tìm kiếm việc làm thêm và nhận được lời mời trên mạng với hứa hẹn trả tiền để thi hộ và hỗ trợ các thí sinh khác. Cơ quan chức năng nghi ngờ Vương có liên quan đến một đường dây gian lận thi cử.

Viện Giao tiếp Kinh doanh Quốc tế (IIBC), đơn vị tổ chức kỳ thi TOEIC tại Nhật Bản, đã ghi nhận nhiều trường hợp thí sinh Trung Quốc đạt điểm cao bất thường. Đồng thời, cũng có những phản ánh về việc một số thí sinh “thì thầm bằng tiếng Trung” trong quá trình thi.

Qua kiểm tra, IIBC phát hiện trong kỳ thi tháng 6/2024 và tháng 3 năm nay, có hai thí sinh sử dụng giấy tờ dán ảnh Vương Lợi Khôn. Cả hai thí sinh này đều đạt trên 900 điểm, trong khi điểm tối đa của kỳ thi TOEIC là 990.

Một học giả người Nhật nhận xét rằng số lượng sinh viên Trung Quốc nhập học vào các trường đại học Nhật Bản đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa điểm số TOEIC và năng lực thực tế của một số sinh viên.

“Tôi cho rằng có một số trường hợp điểm số cao đáng ngờ, không chỉ ở sinh viên Trung Quốc mà còn ở một số nước Đông Nam Á,” học giả này cho biết. “Tỷ lệ sinh viên Trung Quốc tại trường tôi rất cao và ngày càng tăng. Họ thường là con cái của các gia đình khá giả muốn cho con đi du học, nhưng có thể không đủ điều kiện để vào các trường đại học ở Mỹ hoặc châu Âu.”

Vị học giả này cũng cho biết thêm, việc vào các trường đại học Nhật Bản dễ dàng hơn và chi phí cũng thấp hơn so với các quốc gia khác, thậm chí rẻ hơn so với một số trường hàng đầu ở Trung Quốc. Tốt nghiệp đại học ở nước ngoài cũng mang lại cơ hội việc làm hấp dẫn hơn, đặc biệt trong bối cảnh sinh viên tốt nghiệp tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, cho rằng bằng cấp từ một trường đại học nước ngoài có thể nâng cao triển vọng nghề nghiệp và địa vị xã hội của một người Trung Quốc.

“Sinh viên Trung Quốc bắt đầu đến Nhật Bản từ những năm 1980, nhưng sau đó họ hướng đến các nước xa hơn, coi việc vào đại học Mỹ là thành tựu cao nhất,” ông nói.

Theo giáo sư Watanabe, những người nộp đơn vào các trường đại học Nhật Bản gần đây thuộc về hai nhóm: sinh viên có điểm tiếng Anh không đủ để vào các trường đại học ở Mỹ hoặc châu Âu, và những người yêu thích văn hóa Nhật Bản, mong muốn học tập và sinh sống tại đây.

“Chúng ta có thể thấy sự thay đổi trong xu hướng du học của người Trung Quốc. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là những bất ổn toàn cầu hiện nay, như chiến sự ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông, cùng với chính sách thắt chặt đối với sinh viên nước ngoài của Mỹ, khiến họ có thể bị buộc phải rời đi bất cứ lúc nào,” ông Watanabe nhận định. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy nhiều sinh viên Trung Quốc quay trở lại Nhật Bản.”

Giáo sư Watanabe cho rằng nhu cầu du học tăng cao đồng nghĩa với việc nhiều sinh viên cần phải vượt qua kỳ thi TOEIC.

Vương Lợi Khôn khi bị bắt hồi tháng 5. Ảnh: Yeeyi
Vương Lợi Khôn bị bắt (Ảnh: Yeeyi). Ảnh: Internet

“Tôi cho rằng Nhật Bản không hề lơ là trong công tác tổ chức thi cử vì luôn có giám thị, nhưng nhiều địa điểm thi rất lớn và khó kiểm soát mọi thí sinh cùng một lúc,” ông nói. “Ngoài ra, những kẻ gian lận sử dụng công nghệ cao khiến việc kiểm tra trở nên khó khăn hơn. Với những vụ việc đã bị phát hiện, các trường sẽ biết cần cảnh giác với những thủ đoạn nào và chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn.”

Trước đó, vào đầu tháng 6, cảnh sát Tokyo đã xác nhận 70 công dân Trung Quốc khai báo cùng một địa chỉ cư trú khi đăng ký thi TOEIC để được xếp vào cùng một địa điểm thi. Kết quả điều tra cho thấy các sinh viên này được một tổ chức ngầm hướng dẫn và phát tai nghe trước khi đến địa điểm thi. Khi bị thẩm vấn, một số người thừa nhận ý định gian lận, trong đó một người khai đã trả 50.000 yên (347 USD) cho tổ chức này để được hỗ trợ.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *