Lý Ngọc Quyên, sinh năm 1958 tại một vùng quê nghèo ở Quảng Châu, đã trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn. Mất cha mẹ từ sớm, bà phải nương tựa vào người thân và sớm bỏ học để làm công nhân may.
Sau nhiều lần mất việc, năm 45 tuổi, bà Quyên được một đồng nghiệp cũ gợi ý thử sức với nghề giúp việc. Bà bắt đầu công việc này từ năm 2003.

Nhờ tính cách thật thà và chăm chỉ, bà Quyên dần chiếm được lòng tin của các gia chủ. Tuy nhiên, mức lương ít ỏi chỉ đủ để bà trang trải cuộc sống hàng ngày. Bước ngoặt lớn đến khi bà gặp bà Hoàng Thúy Linh, một nữ giám đốc tại tỉnh Quảng Châu. Sự chu đáo và ngăn nắp của bà Quyên đã khiến bà Linh rất hài lòng.

Vào một ngày năm 2004, trong lúc dọn dẹp, bà Quyên tình cờ phát hiện một chiếc nhẫn kim cương bị rơi xuống khe ghế sofa và mắc kẹt ở đó. Dù biết đây là một vật có giá trị lớn và trong nhà lại không có camera, bà vẫn kiên nhẫn đợi chủ nhân trở về để trả lại.
Khi nhận lại chiếc nhẫn, bà Linh vô cùng cảm kích. Bà chia sẻ rằng đây là chiếc nhẫn bà tự thưởng cho bản thân sau thành công đầu tiên trong sự nghiệp, một kỷ vật vô giá. Bà đã làm mất nó vài năm trước, trước khi bà Quyên đến làm việc, và đã nghĩ rằng không thể tìm lại được.
Cảm động trước sự trung thực của người giúp việc, bà Linh hỏi tại sao bà Quyên không giữ lại chiếc nhẫn. Bà Quyên đáp: “Cha mẹ tôi dạy rằng những gì không phải của mình thì không được tham lam.”
Câu trả lời giản dị này khiến nữ doanh nhân vô cùng xúc động. Bà muốn tặng bà Quyên 10.000 tệ để đền đáp, nhưng bà Quyên kiên quyết từ chối, cho rằng việc trả lại của rơi là điều nên làm.
Từ đó, bà Linh coi bà Quyên như em gái ruột và quyết tâm giúp bà thay đổi cuộc đời. Bà đề nghị tài trợ toàn bộ học phí để bà Quyên có thể học kế toán vào thời gian rảnh. Bà Linh nói: “Chị coi em như người nhà nên không muốn em mãi làm công việc giúp việc.”
Được bà chủ động viên và giúp đỡ, bà Quyên đã lấy được chứng chỉ kế toán và xin được vào làm tại một công ty.
Khi sự nghiệp vừa bắt đầu ổn định, bà Quyên phát hiện mình bị ung thư vú. Trong suốt những ngày hóa trị đầy đau đớn, khi tóc rụng hết và cơ thể suy kiệt, bà Linh luôn ở bên cạnh động viên và chăm sóc bà như người thân trong gia đình.
Khi sức khỏe của bà Quyên dần hồi phục, bà Linh còn cho bà vay thêm 100.000 tệ để mua một căn nhà giá rẻ.
Từ một người giúp việc sống trong khu nhà tạm, bà Quyên đã trở thành một kế toán viên có một căn nhà của riêng mình.
Mối quan hệ giữa hai người giờ đây không còn đơn thuần là chủ – tớ, mà đã trở thành tình thân ruột thịt. Mỗi khi gặp lại, bà Quyên đều vô cùng xúc động, nhưng bà Linh chỉ cười và nói: “Người em cần cảm ơn là chính bản thân mình. Nếu ngày đó không có sự trung thực của em, thì đã không có câu chuyện ngày hôm nay.”
Admin
Nguồn: VnExpress