Là một người luôn trăn trở về giáo dục, tôi nhận thấy những cuộc tranh luận gần đây xoay quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 bộc lộ nhiều góc nhìn khác nhau, từ chỉ trích độ khó của đề thi đến những nỗi buồn man mác. Thay vì hòa mình vào những tranh cãi ấy, tôi chọn cách nhìn sâu hơn vào mục tiêu thực sự của một kỳ thi có tầm ảnh hưởng lớn đến hàng triệu gia đình Việt Nam.
Một kỳ thi duy nhất không thể đánh giá toàn diện mọi năng lực. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 hiện đang phải gánh hai mục tiêu lớn: xét tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển đại học. Sự “đa năng” này tạo ra những mâu thuẫn khó giải quyết về độ khó, hình thức thi và mục đích cuối cùng của kỳ thi. Chẳng hạn, việc đề thi tiếng Anh được đánh giá là vượt quá chuẩn B1, thậm chí chạm ngưỡng B2, C1, trong khi đề các môn Vật lý, Hóa học lại có phần nhẹ nhàng hơn, tạo ra sự chênh lệch có thể vô tình, nhưng lại gây ra những tác động hữu ý đến điểm số và cơ hội của học sinh.
Công bằng không có nghĩa là mọi thí sinh phải thi một đề giống nhau. Đề thi dành cho học sinh trường chuyên ở thành phố không thể phù hợp với những em ở vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn. Để thực sự công bằng, có lẽ cần một hệ thống đánh giá đa dạng, phù hợp với mục tiêu khác nhau của từng nhóm học sinh: người muốn học nghề, người muốn vào đại học, người chỉ cần tốt nghiệp. Đó mới là một nền giáo dục linh hoạt và bao trùm mọi đối tượng.
Hơn cả điểm số, sự thấu hiểu và đồng cảm quan trọng hơn mọi áp lực thi cử. Kết quả của một kỳ thi không thể định nghĩa giá trị hay tiềm năng của một người trẻ. Điều quan trọng là cách gia đình, nhà trường và xã hội phản ứng trước những thất bại của các em. Câu nói “Kệ đi con, cứ làm đại đi” của một phụ huynh sau kỳ thi, theo tôi, không phải là sự buông xuôi, mà là một thông điệp yêu thương, cho phép con cái được vấp ngã mà không đánh mất bản thân.
Giáo dục đích thực không bắt đầu từ một kỳ thi, mà từ câu hỏi: “Chúng ta muốn hướng con em mình đến điều gì?”. Nếu mục tiêu là một nhân cách toàn diện, chúng ta cần một nền giáo dục không gây tổn thương, không đặt nặng áp lực thành tích, mà tập trung khơi dậy sự tử tế, trí tuệ và bản lĩnh bên trong mỗi người trẻ.
Admin
Nguồn: VnExpress