Tại tọa đàm “Ứng phó với biến động thương mại toàn cầu – Vai trò đang lên của Việt Nam trong kết nối logistics và chuỗi cung ứng” thuộc sự kiện tlacSEA Connect (1/7), các chuyên gia đã đưa ra những nhận định về tiềm năng phát triển logistics của Việt Nam.
Theo đó, sự hình thành TP HCM mới (sau khi sáp nhập TP HCM với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu), cùng với dự án sân bay Long Thành và làn sóng đầu tư vào hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc…) đang tạo động lực mạnh mẽ, giúp Việt Nam vươn lên trở thành một trung tâm logistics hàng đầu trong khu vực.
Ông Trương Nguyên Linh, Phó tổng giám đốc Cảng Container quốc tế Việt Nam (VICT), nhấn mạnh rằng TP HCM mới sẽ tạo ra một “vùng siêu cảng” nhờ sự hội tụ của ba cảng biển lớn: Cái Mép – Thị Vải, Cát Lái và dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ông Linh tin tưởng Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là khu vực TP HCM mới, nơi có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển của cả nước, thậm chí là của châu Á.
Bên cạnh “vùng siêu cảng”, sân bay quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động đáng kể đến năng lực hậu cần của ngành hàng không. Ông Tony Anh, Phó tổng giám đốc ITL Corporation kiêm Tổng giám đốc ITL Aviation Logistics, cho biết Việt Nam hiện chủ yếu đóng vai trò là điểm đi và đến (origin & destination), chứ chưa thực sự trở thành một điểm trung chuyển khu vực (aviation hub). Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nhờ sân bay Long Thành. Giai đoạn đầu của dự án có công suất hàng hóa 1,2 triệu tấn mỗi năm và có thể đạt 5 triệu tấn khi hoàn thiện, tương đương với sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc). Ông Tony nhận định đây là bước đệm quan trọng để Việt Nam từng bước trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nelson Wu, Giám đốc điều hành Vietjetair Cargo, đánh giá Việt Nam sở hữu vị trí địa lý có khả năng kết nối tốt với khu vực, Trung Quốc và Ấn Độ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển logistics hàng không. Vai trò “hub” của Việt Nam đang dần trở nên rõ nét. Ông chia sẻ Vietjet lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam, đặc biệt trong việc kết nối khu vực và mở rộng ra toàn cầu. Đây cũng là lý do hãng tiếp tục đầu tư vào đội bay và hạ tầng để đón đầu xu hướng, với việc đã đặt mua 3 máy bay chuyên chở hàng (freighter), dự kiến nhận vào cuối năm nay.

Không chỉ có cơ hội trở thành “hub” logistics, Việt Nam còn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực, với 80% GDP liên quan đến ngoại thương. Riêng xuất khẩu, hàng điện tử chiếm tới 120 tỷ USD, trong đó 60-70% được vận chuyển bằng đường hàng không do giá trị cao và yêu cầu về thời gian. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử dự kiến đạt 16-30% mỗi năm và việc 14 khu công nghiệp mới được công bố trong quý I càng củng cố vai trò mắt xích của Việt Nam trong chuỗi cung ứng dịch vụ hậu cần.
Ông Michael Wilton, Tổng giám đốc điều hành MMI Asia, đơn vị tổ chức triển lãm “transport logistic Southeast Asia & air cargo Southeast Asia” (tlacSEA) vào tháng 10 tại Singapore, nhận định Việt Nam không chỉ đang nổi lên như một trung tâm logistics mà còn trở thành đầu mối chiến lược cho tương lai của chuỗi cung ứng Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành trung tâm logistics khu vực, Việt Nam cần phải vượt qua một số thách thức. Theo ông Nelson, chi phí logistics tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 16-17% GDP, cao hơn so với mức trung bình của khu vực (13%). TS. Yap Kwong Weng, Tổng giám đốc Vietnam SuperPort, Trưởng bộ phận chiến lược Tập đoàn YCH, lưu ý rằng Malaysia và Ấn Độ cũng đang tăng tốc xây dựng các trung tâm logistics riêng, tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ cho Việt Nam.

TS. Yap Kwong Weng cho rằng việc giảm chi phí logistics sẽ là một lợi thế lớn cho Việt Nam, giúp giữ chân các nhà đầu tư thay vì để họ chuyển sang các khu vực khác trên thế giới.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng ngành logistics cần tăng cường kết nối và phát triển vận tải đa phương thức. Đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để thực hiện điều này.
Chia sẻ kinh nghiệm tại VICT, ông Trương Nguyên Linh cho biết công ty đã thực hiện chuyển đổi số và đang triển khai mô hình “cảng xanh”. Để chuyển đổi số hiệu quả, theo ông, cần xây dựng được quy trình tiêu chuẩn và nâng cao năng lực công nghệ cho nhân viên, giúp họ làm quen với các hệ thống mới. Ông cũng đề xuất phát triển đào tạo nghề bên cạnh đào tạo đại học, nhằm tạo ra một lực lượng lao động có thể sẵn sàng làm việc ngay trong các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là ở các vị trí vận hành.
Admin
Nguồn: VnExpress