Chính phủ vừa ban hành Nghị định 172/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định về các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức. Điểm đáng chú ý là nghị định này loại bỏ hai hình thức kỷ luật là giáng chức và hạ bậc lương, thay vào đó chỉ còn bốn hình thức chính thức.
Cụ thể, theo nghị định mới, các hình thức kỷ luật đối với công chức bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức (áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) và buộc thôi việc. Trước đây, theo quy định từ năm 2023, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thể bị kỷ luật bằng các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và buộc thôi việc. Đối với công chức lãnh đạo, quản lý, ngoài các hình thức trên còn có thêm giáng chức và cách chức.

Nghị định 172/2025 cũng phân loại rõ ràng mức độ vi phạm để làm căn cứ xử lý kỷ luật, bao gồm: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Vi phạm được xem là ít nghiêm trọng khi mức độ tác hại không lớn, chỉ tác động trong phạm vi nội bộ và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan. Vi phạm nghiêm trọng là khi hành vi gây tác hại lớn, lan rộng ra bên ngoài đơn vị, gây dư luận xấu và làm giảm uy tín của tổ chức. Mức độ vi phạm rất nghiêm trọng là khi tính chất và mức độ đặc biệt nghiêm trọng, tác động đến toàn xã hội, gây bức xúc trong cán bộ, công chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức.
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, công chức sẽ bị xử lý theo bốn mức kỷ luật. Hình thức khiển trách áp dụng cho các vi phạm lần đầu và có hậu quả ít nghiêm trọng. Nếu công chức đã bị khiển trách mà tiếp tục vi phạm, hoặc vi phạm lần đầu nhưng hành vi được đánh giá là nghiêm trọng, sẽ bị kỷ luật ở mức cảnh cáo. Đối với công chức lãnh đạo, quản lý, trường hợp để đơn vị xảy ra sai phạm nghiêm trọng mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả cũng sẽ bị cảnh cáo, ngay cả khi bản thân họ chỉ vi phạm ở mức độ nhẹ.
Trong trường hợp công chức đã bị cảnh cáo mà tái phạm, hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, song có thái độ cầu thị và chủ động khắc phục hậu quả, sẽ bị cách chức. Hình thức kỷ luật buộc thôi việc được áp dụng nếu người vi phạm không sửa chữa, tiếp tục tái phạm sau khi đã bị cách chức hoặc cảnh cáo, hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng và không có thái độ tiếp thu, khắc phục.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định rõ các trường hợp công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng, hoặc người nghiện ma túy, sẽ bị buộc thôi việc. Những quy định này nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và kỷ luật trong đội ngũ công chức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Admin
Nguồn: VnExpress