Đề thi Vẽ mỹ thuật: Bất ngờ vì tính Văn học

Đề thi môn Vẽ mỹ thuật của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đang gây xôn xao cộng đồng mạng khi sử dụng ngữ liệu từ bài thơ “Đi giữa đường thơm” của tác giả Huy Cận, trích trong sách Ngữ Văn lớp 11. Đề thi này đã thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội từ tối hôm qua.

Theo đó, thí sinh phải dựa vào cảm xúc và sự phân tích bài thơ để thể hiện bố cục tạo hình, diễn tả hình ảnh “đất thêu nắng” trong đoạn trích bằng chất liệu chì đen với không quá 5 cấp độ trên khổ giấy hình chữ nhật kích thước 18cm x 24cm.

Nhiều thí sinh đã bày tỏ sự bất ngờ trước đề thi này. Nguyễn Đăng Mạnh (Phú Thọ) và Phạm Đăng Linh (Nam Định) chia sẻ rằng dù đã ôn luyện nhiều dạng đề, họ không nghĩ sẽ gặp phải một đề thi kết hợp giữa văn học và mỹ thuật như vậy.

Phạm Đăng Linh cho rằng, độ khó của đề thi nằm ở chỗ thí sinh phải có cảm xúc và khả năng phân tích bài thơ để tạo ra một bức tranh có ý nghĩa. Trong khi đó, những học sinh chọn khối V00 (Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật) thường không quá chú trọng vào môn Văn.

Sau khi trấn tĩnh và đọc kỹ đề, cả Mạnh và Linh đều tập trung vào các từ khóa như “bóng tre”, “bóng phượng”, “đường làng”, “rơm”, “người cùng tôi”… Từ đó, họ hình dung bố cục, nội dung và phân tích yếu tố chính để đưa vào bài vẽ. Bài thi của Mạnh có hình ảnh hai người nắm tay nhau đi trên đường làng. Cả hai thí sinh đều cảm thấy hài lòng với bài thi của mình vì đã thể hiện được nội dung rõ ràng, bố cục hợp lý và có sự sáng tạo trong cách điệu. Linh còn cho biết em đã dành 10-15 phút cuối giờ để xem lại và chỉnh sửa những chi tiết cần thiết.

Thí sinh bất ngờ khi đề thi Vẽ mỹ thuật giống thi Văn
Đề thi Vẽ mỹ thuật Đại học Kiến trúc Hà Nội (1/7). Ảnh: Internet

Linh nhận xét: “Em thích dạng đề này vì thí sinh có trải nghiệm mới mẻ”.

Một kiến trúc sư, đồng thời là giảng viên đại học tại Hà Nội, đánh giá đề thi có tính mở, ngôn ngữ dễ hiểu và hình ảnh trong bài thơ gần gũi. Vị này cũng cho rằng, kiến trúc không chỉ là những con số khô khan mà còn liên quan mật thiết đến văn học và nghệ thuật. Thực tế, nhiều công trình kiến trúc được lấy ý tưởng từ văn học, nghệ thuật và lịch sử.

Đại diện trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc đưa thơ ca vào đề thi mỹ thuật không phải là điều mới mẻ. Năm 2022, trường đã sử dụng đoạn trích từ bài thơ “Hồi sinh đang tới” của Nguyễn Hồng Vinh, yêu cầu thí sinh vẽ bố cục trang trí màu thể hiện hình ảnh tươi đẹp của đất nước và con người Việt Nam sau đại dịch.

Vị đại diện này khẳng định, đây là sự sáng tạo và là đặc thù của trường Đại học Kiến trúc khi kết hợp văn, thơ và nghệ thuật trong đề thi. Ông cho biết thêm, trường đã có những đề thi tương tự và thí sinh đã thể hiện rất tốt ý tưởng của mình. Việc sử dụng văn, thơ trong đề thi giúp kích thích sự sáng tạo, đặc biệt đối với những thí sinh có định hướng theo đuổi các chuyên ngành nghệ thuật và kiến trúc.

Thí sinh dự thi bài thi năng khiếu vào Đại học Kiến trúc Hà Nội hôm 1/7. Ảnh: HAU
Thí sinh thi năng khiếu Đại học Kiến trúc Hà Nội (1/7). Ảnh: Internet

Năm 2024, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tuyển 3.200 sinh viên, tăng 460 chỉ tiêu so với năm trước. Trường sử dụng bốn phương thức xét tuyển, bao gồm xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, kết hợp điểm thi tốt nghiệp với năng khiếu, và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

Trường sử dụng 8 tổ hợp để xét tuyển vào các ngành năng khiếu, bao gồm V00 (Toán, Vật lý, Vẽ mỹ thuật), V01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ mỹ thuật), V02 (Toán, tiếng Anh, Vẽ mỹ thuật), H00 (Ngữ văn, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu), H02 (Toán, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu), A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), C01 (Toán, Ngữ văn, Vật lý), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh).

Đối với các ngành không yêu cầu môn năng khiếu, trường vẫn giữ tổ hợp A00 truyền thống và bổ sung thêm các tổ hợp mới như C02 (Toán, Ngữ văn, Hóa học), THM (Toán, Ngữ văn, Công nghệ), THM2 (Toán, Ngữ văn, Tin học).

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *