Những năm 1990, khu chợ Châu Long nhộn nhịp ở Hà Nội in đậm trong ký ức của anh Nguyễn Quang Quang, 45 tuổi. Đó là một bức tranh hỗn tạp của âm thanh, ánh sáng và mùi vị: ánh đèn vàng hắt lên nền gạch đỏ, mùi cá thịt lẫn trong hơi nước, tiếng dao thớt vang lên cùng tiếng xe thồ hối hả.

Chỉ cần nghe tiếng gọi “Ê, thằng nhóc!”, Quang lập tức lao đến từ một góc chợ. Cậu nhanh nhẹn lau bàn, rửa thớt để kiếm 1.000 – 2.000 đồng hoặc một ổ bánh mì lót dạ.
Sinh ra ở vùng quê Hà Tây cũ trong một gia đình nghèo khó, năm 1992, Quang quyết định nghỉ học lên Hà Nội kiếm sống để giúp đỡ bố mẹ và hai em nhỏ.
Chợ đầu mối Long Biên là điểm dừng chân đầu tiên của Quang. Tuy nhiên, thân hình gầy gò và khuôn mặt non nớt của cậu khiến không ai dám thuê. Sau nhiều ngày đói khát, cậu bé lang thang đến chợ Châu Long, nằm giữa khu phố cổ. Những ngày đầu, Quang vạ vật ở chợ, giúp đỡ mọi người khi có việc. Dần dần, cậu được thuê cọ bàn cho hàng thịt lợn, nhổ lông gà, lông vịt.
Ngày qua ngày, đôi tay ngâm trong nước bẩn bị lở loét, ăn sâu vào xương. Nhiều đêm, cậu bé cắn răng nhúng tay vào chậu nước phèn để làm dịu vết thương. Sau một ngày làm việc vất vả, Quang ngủ thiếp đi ở bất cứ đâu trong chợ, miễn là không bị nắng mưa. “Ở quê cũng khổ như thế, nhưng ít nhất còn có cha có mẹ”, anh Quang nhớ lại.
Sau gần ba năm bươn chải ở chợ, Quang được một tiểu thương nhận về nhà làm giúp việc. Ngoài việc nhà, Quang tranh thủ làm thêm cho các quầy hàng khác để kiếm thêm tiền gửi về quê cho gia đình.
Năm Quang 19 tuổi, em trai của chủ nhà đến chơi và hỏi: “Em có mơ ước gì không?”. Chàng thanh niên chợt nhớ đến hình ảnh những nhân viên phục vụ trong khách sạn trên con phố gần chợ Châu Long. Họ mặc đồng phục chỉnh tề, lịch thiệp chào đón khách nước ngoài và mở cánh cửa vào sảnh sang trọng, thoang thoảng hương nước hoa.
“Hình ảnh đó với tôi ngày ấy rất xa vời,” Quang nhớ lại.
Bước ngoặt này đã đưa chàng trai đến với Koto, một doanh nghiệp xã hội tiên phong tại Việt Nam, chuyên đào tạo nghề nhà hàng khách sạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Jimmy Phạm, người sáng lập Koto, vẫn nhớ buổi phỏng vấn năm 2000. Mọi người không khỏi xúc động khi nghe Quang kể về cuộc đời mình. Nhưng tất cả đều nhận thấy ở cậu sự hồn nhiên và một nụ cười tươi tắn.
Sau buổi phỏng vấn, anh Jimmy hỏi Quang: “Em có biết lý do em được chọn là gì không?”. Và không đợi câu trả lời, anh nói tiếp: “Là vì em hay cười”.
Tại Koto, Quang chọn nghề bồi bàn vì anh vẫn nhớ “cảm giác xa vời” năm xưa.
Việc học kiến thức chuyên môn khá dễ dàng, nhưng tiếng Anh là một thử thách lớn đối với Quang. Ban ngày đi học, tối đến Quang vẫn làm thêm ở chợ để có tiền gửi về cho gia đình và học thêm tiếng Anh. Căn phòng trọ của anh đầy những tài liệu tiếng Anh. Chàng trai lẩm nhẩm hát theo chiếc đài cassette cũ, dù ban đầu chưa hiểu nghĩa. Ngay cả ở chợ, Quang cũng tranh thủ học.
Cuối tháng đầu tiên ở Koto, Quang được gọi lên nhận lương. Anh không hiểu chuyện gì cho đến khi ký nhận 500.000 đồng, khoản hỗ trợ từ các nhà tài trợ thông qua chương trình dành cho học viên chính thức.

“Cầm số tiền trên tay, nước mắt tôi không ngừng rơi. Lần đầu tiên sau 7 năm lăn lộn ở chợ đời, tôi nhận được đồng lương thực sự”, chàng trai nhớ lại.
Tốt nghiệp năm 2002, Quang đặt mục tiêu làm việc 6 tháng ở mỗi nơi, theo lời khuyên của Jimmy: “Muốn đi xa phải trải nghiệm nhiều”. Từ Press Club, anh chuyển sang Metropole và một năm sau trở thành trợ lý tổng quản lý ẩm thực tại khách sạn 5 sao Sheraton.

Sau hơn hai năm làm thuê, Quang đến Mũi Né khởi nghiệp cùng hai người bạn. Họ mở một quán pub bằng tre nứa, xi măng, trang trí theo phong cách thổ dân Hawaii.
Thời điểm đó, Mũi Né là điểm đến yêu thích của khách du lịch Đức và Nga. Với kinh nghiệm làm việc tại các quầy bar khách sạn quốc tế, Quang hiểu rõ gu thưởng thức đồ uống và âm nhạc của họ. “Thay vì nhạc sàn ồn ào, tôi chọn rock & jop, pop, hip hop, rất phù hợp để uống rượu và cocktail”, anh kể. Chỉ sau hai tháng, quán của họ trở thành địa điểm thu hút khách nhất.
Đến năm 2007, anh mở quán bar ở phố cổ Hà Nội, hướng đến khách du lịch nước ngoài và giới trẻ Việt. Tám năm sau, anh mở thêm nhiều địa điểm ở các khu du lịch trên khắp cả nước, với mục tiêu mang đến những sân chơi lành mạnh, giải trí âm nhạc đích thực với nhiều DJ trong nước và quốc tế.
Đại dịch Covid-19 ập đến, toàn bộ chuỗi bar và khách sạn của anh Quang gặp khó khăn. “Tôi lại đi học để tìm ra phương hướng, chiến lược kinh doanh để thích nghi sau biến cố của dịch bệnh và suy thoái kinh tế”, người đàn ông ngoài 40 tuổi chia sẻ.
Nhờ mạng lưới rộng, phân khúc khách hàng đa dạng, hoạt động kinh doanh của anh dần phục hồi. Những cơ sở mới tiếp tục được mở ra. Đến năm 2024, anh là chủ sở hữu của 22 địa điểm giải trí âm nhạc và 13 khách sạn trên khắp Việt Nam.
Dù bận rộn với công việc kinh doanh, Quang vẫn thường xuyên trở lại Koto vài lần mỗi năm với vai trò nhà tài trợ và người truyền lửa cho thế hệ đàn em.
Nhiều cựu học viên Koto hiện đang làm việc trong hệ thống của anh. Một số người đã thành công nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo của người đàn anh từng trải.
Anh Jimmy Phạm xúc động khi nhắc đến hành trình của Quang, từ một cậu bé lang thang nơi góc chợ đến người xây dựng nên chuỗi doanh nghiệp thành công.
“Những sinh kế mà Quang đã tạo ra cho nhiều người, những gia đình mà em đã hỗ trợ, và những tương lai mà em đã định hình, tất cả là minh chứng mạnh mẽ cho một cuộc đời dựa trên sự chính trực, lòng trắc ẩn và mục đích sống”, Jimmy nói.
Với anh Quang, bí quyết thành công nằm ở hai chữ “chịu khó” và “nhẫn nhịn”. “Chính 7 năm ở xó chợ đã dạy tôi sự kiên cường và cho tôi một cái phanh đủ nhạy để giữ thăng bằng trong cuộc sống”, doanh nhân này chia sẻ.
Admin
Nguồn: VnExpress