Mặc dù hút thuốc lá được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, những người không hút thuốc vẫn có nguy cơ mắc bệnh do nhiều yếu tố khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc cao hơn 15 đến 30 lần so với người không hút.
Vậy, những yếu tố nào có thể dẫn đến ung thư phổi ở người không hút thuốc? Các yếu tố nguy cơ bao gồm việc tiếp xúc với các loại khí độc hại, tuổi tác, yếu tố di truyền, ô nhiễm môi trường, bụi, các bệnh phổi tiềm ẩn và đột biến gen. Đặc biệt, việc thường xuyên hít phải khói thuốc lá từ người khác (hút thuốc thụ động) cũng làm tăng đáng kể nguy cơ.
Đáng chú ý, ung thư phổi ở người không hút thuốc thường gặp ở nữ giới và phần lớn thuộc loại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Nguyên nhân có thể liên quan đến việc tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, đặc biệt khi có vợ hoặc chồng hút thuốc.
Cần nhấn mạnh rằng, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó khoảng 70 chất được xác định là gây ung thư, không chỉ ung thư phổi mà còn cả ung thư họng, khí quản và nhiều bệnh ung thư khác. Các chất độc hại này có thể tồn tại rất lâu trên các bề mặt như tường, nội thất và quần áo.
Để phòng ngừa, mọi người nên tránh hút thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử và thuốc lào. Nếu hút thuốc, không nên hút trong nhà hoặc gần trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Thường xuyên mở cửa để thông gió, giặt giũ chăn ga, gối nệm và rèm cửa thường xuyên giúp loại bỏ mùi khói thuốc.

Ở giai đoạn đầu, ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như ho hoặc mệt mỏi. Các triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, khó thở và sụt cân thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Việc điều trị sớm rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng và ngăn ngừa di căn.
Do đó, những người hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc nên đi khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư phổi thường xuyên. Đặc biệt, những gia đình có người mắc ung thư phổi liên quan đến thuốc lá nên chủ động tầm soát bệnh. Chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp là một phương pháp hiệu quả, sử dụng lượng tia X rất nhỏ, tương đương với chụp X-quang, nhưng có thể phát hiện các tổn thương nhỏ ở giai đoạn sớm mà X-quang không thể phát hiện được.
Admin
Nguồn: VnExpress