Những năm gần đây, Asa Jin, 37 tuổi, sống tại Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), thường xuyên tìm đến các quán cà phê ở vùng ngoại ô. Tuy nhiên, cô hiếm khi quay lại một địa điểm nhiều lần. Asa chia sẻ rằng mục đích chính của cô là “check-in” tại những quán cà phê có thiết kế đẹp mắt, sau đó lại tìm kiếm những địa điểm mới. Cô nhận thấy nhiều quán hiện nay tập trung vào việc tạo dựng không gian để phục vụ nhu cầu chụp ảnh của khách hàng, nhưng lại thiếu sự đầu tư vào chất lượng sản phẩm, khiến trải nghiệm không đủ ấn tượng để khách hàng muốn quay lại. Asa không thiếu sự lựa chọn, vì ngày càng có nhiều quán cà phê mọc lên ở các vùng nông thôn Trung Quốc, nơi trước đây vốn nổi tiếng với trà và nhịp sống chậm rãi.
Làn sóng cà phê đã lan rộng đến các vùng nông thôn, tạo ra khái niệm “quán cà phê nông thôn”. Đây là một phần trong chiến lược “hồi sinh nông thôn” do chính phủ khởi xướng, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đồng thời thúc đẩy du lịch nội địa.

Tại huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang, mô hình quán cà phê Deep Blue đang được xem là một hình mẫu thành công. Quán hoạt động theo mô hình “hai đầu tư, ba lợi nhuận”, trong đó người dân địa phương góp đất và nhận cổ tức, tiền thuê đất, cũng như lương từ việc làm tại quán. Nhờ hiệu ứng lan tỏa, An Cát hiện có hơn 300 quán cà phê, một con số đáng kể, thậm chí nhiều hơn cả Thượng Hải nếu tính theo mật độ dân cư.
Theo thống kê từ truyền thông địa phương, 98% quán cà phê tại tỉnh Chiết Giang có thiết kế ưu tiên yếu tố thiên nhiên. Trên phạm vi toàn quốc, Trung Quốc hiện có hơn 40.000 quán cà phê ở vùng ven đô và nông thôn, với Vân Nam và Quảng Đông là hai tỉnh dẫn đầu về số lượng.
Chính sách phát triển du lịch và nông nghiệp đặc thù đang biến những ngôi làng yên bình trở thành điểm đến hấp dẫn đối với giới trẻ thành thị. Tuy nhiên, đằng sau sự sôi động này là không ít thách thức.
Giáo sư Li Ban từ Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương cảnh báo rằng tốc độ mở quán đang vượt quá tốc độ tăng trưởng của nhu cầu thực tế, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận trong ngành cà phê nông thôn.
Để có thể tồn tại và phát triển, các quán cà phê cần tạo ra sự khác biệt, không chỉ ở cảnh quan mà còn ở chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng. Ví dụ, tại huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang, quán cà phê Gelien được đánh giá cao trên Dianping, một nền tảng đánh giá và đặt chỗ dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch và mua sắm lớn nhất Trung Quốc. Quán thu hút khách hàng nhờ phong cảnh nhân tạo gợi nhớ đến Thụy Sĩ. Tuy nhiên, gần 30% đánh giá lại chấm điểm thấp vì chất lượng cà phê không tương xứng với không gian đẹp để chụp ảnh.
Chu Hạo Kiệt, một người từng rời bỏ thành phố để về quê và biến ngôi nhà của mình thành quán cà phê, chia sẻ rằng nếu các quán không thể biến khách du lịch thành khách hàng thân thiết quay lại, thì khó có thể coi là thành công.
Giáo sư Li Ban cũng nhận định rằng sự phát triển của du lịch văn hóa nông thôn đang dần bão hòa. Các mô hình kinh doanh quá giống nhau và thiếu bản sắc văn hóa đang trở thành rào cản lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành.
Ông Li Ban nhấn mạnh rằng các chính sách nên tập trung vào việc tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện, khuyến khích việc khai thác văn hóa bản địa để phát triển các mô hình du lịch độc đáo, thay vì chỉ chạy theo các trào lưu ngắn hạn.
Admin
Nguồn: VnExpress