6 bài toán khoa học công nghệ lớn được Bộ Quốc phòng công bố

Ngày 1/7, Bộ Quốc phòng chính thức công bố danh mục gồm 6 bài toán khoa học và công nghệ trọng điểm cho năm 2025, đánh dấu bước triển khai cụ thể Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các bài toán này tập trung vào những lĩnh vực then chốt, trực tiếp phục vụ mục tiêu hiện đại hóa quốc phòng và bảo vệ chủ quyền trong bối cảnh mới.

Loạt tên lửa, bệ phóng và radar phòng không tại Triển lãm Quốc phòng 2024. Ảnh: Giang Huy
Tên lửa, bệ phóng, radar phòng không tại Triển lãm Quốc phòng 2024 (Ảnh: Giang Huy). Ảnh: Internet

Ba bài toán đầu tiên tập trung vào bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, một mặt trận được Bộ Quốc phòng xác định có vai trò đặc biệt quan trọng. Bài toán thứ nhất đặt ra yêu cầu xây dựng một nền tảng tính toán hiệu năng cao, có khả năng dự báo các nguy cơ mất an toàn thông tin, phân tích mã độc, điều tra số, kiểm thử hệ thống và đánh giá khả năng phòng thủ mạng.

Bài toán thứ hai chú trọng vào việc quản lý cơ sở hạ tầng và tiềm lực công nghệ thông tin phục vụ quốc phòng, thông qua việc giám sát, đưa ra cảnh báo về các nguy cơ trên hạ tầng mạng, đồng thời thiết lập cơ chế huy động nguồn lực số cho các nhiệm vụ quân sự. Bài toán thứ ba hướng đến việc xây dựng cơ chế chia sẻ và khai thác dữ liệu an ninh mạng liên ngành, tự động nhận diện và ngăn chặn các mối đe dọa, đảm bảo trao đổi dữ liệu một chiều an toàn và kiểm soát hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung.

Bài toán thứ tư mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng số, với yêu cầu xây dựng giải pháp kết nối an toàn liên mạng, phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Giải pháp này phải có khả năng kiểm soát lưu lượng Internet, ngăn chặn thất thoát dữ liệu trong môi trường kết nối hai chiều.

Hai bài toán còn lại tập trung vào phát triển công nghệ lõi, phục vụ mục tiêu hiện đại hóa quân đội. Bài toán thứ năm yêu cầu phát triển các hệ thống mô phỏng 3D chân thực, phục vụ huấn luyện kỹ thuật, khai thác và vận hành trang thiết bị, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu cải tiến và nâng cấp trang bị. Bài toán thứ sáu đặt mục tiêu làm chủ công nghệ chế tạo phần cứng, hệ điều hành và phần mềm cho các thiết bị sử dụng trong quân sự, quốc phòng, từ phát triển chip bán dẫn đến hoàn thiện dây chuyền sản xuất.

Tại Hội nghị đánh giá chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo ông, kinh tế vững mạnh là tiền đề để đảm bảo nguồn lực cho quân đội, và một quân đội hùng mạnh, có sức răn đe sẽ giữ vững hòa bình, tạo điều kiện cho phát triển đất nước. Bộ trưởng Hùng cho rằng cần đầu tư tương xứng vào khoa học công nghệ để nâng cao năng lực quốc phòng, bên cạnh việc tập trung vào nâng cao tiềm lực kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao tiềm lực nghiên cứu của Bộ Quốc phòng, với nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất và trang bị thực tế, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Ông cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất tăng ngân sách nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng trong năm nay, đồng thời khuyến nghị tập trung vào các bài toán có tính chiến lược lâu dài.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố danh mục 21 bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bao trùm nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp đến phát triển công nghệ lõi như AI, 5G, blockchain và chế tạo vệ tinh. Trong bối cảnh đó, các bài toán của Bộ Quốc phòng thể hiện cách tiếp cận tích hợp giữa an ninh, quốc phòng và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *