Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chương trình Dự bị Đại học (Foundation Studies) đã trở thành một lựa chọn phổ biến, đặc biệt tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Australia, Anh và Canada. Chương trình này mang đến lộ trình tối ưu, giúp học sinh Việt Nam tiết kiệm thời gian chuẩn bị trước khi bước vào môi trường đại học quốc tế, đồng thời xây dựng vững chắc nền tảng học thuật và các kỹ năng thiết yếu.
Nhiều bậc phụ huynh Việt Nam hiện nay đang cân nhắc chương trình Dự bị Đại học như một giải pháp giúp con em mình sớm làm quen với phương pháp học tập tiên tiến, định hướng nghề nghiệp rõ ràng và phát triển toàn diện các kỹ năng tự lập.

Cần nhấn mạnh rằng, Dự bị Đại học không phải là một khóa luyện thi thông thường dành cho học sinh đã tốt nghiệp THPT. Thực tế, tại Australia, Anh và Canada, chương trình này được công nhận tương đương với lớp 12 và là điều kiện cần thiết để học sinh có thể chuyển tiếp trực tiếp lên các trường đại học liên kết.
So với các chương trình A-Level hoặc IB Diploma kéo dài hai năm, Dự bị Đại học thường chỉ kéo dài một năm sau khi học sinh hoàn thành lớp 11. Nội dung học tập được thiết kế tập trung vào lĩnh vực mà học sinh dự định theo đuổi ở bậc đại học. Trong khi A-Level và IB phù hợp với những học sinh muốn duy trì nhiều lựa chọn về quốc gia và ngành học, Dự bị Đại học là lựa chọn lý tưởng cho những ai đã xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp và mong muốn rút ngắn thời gian chuẩn bị cho môi trường đại học quốc tế.

Anh Minh Tuấn, phụ huynh có hai con từng theo học chương trình Dự bị Đại học tại RMIT, chia sẻ rằng việc lựa chọn chương trình này cho phép các con anh được định hướng chuyên môn ngay từ sớm. “Đứa lớn định hướng theo ngành Kinh doanh nên được học Kế toán và Kinh tế, còn đứa nhỏ theo ngành Thiết kế nên được làm quen với các dự án mỹ thuật và sáng tạo từ sớm. Nhờ vậy, khi vào đại học, các con tự tin hơn, biết rõ điểm mạnh của mình và không mất thời gian thử nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau,” anh Tuấn cho biết.
Ngoài kiến thức chuyên môn, Dự bị Đại học còn trang bị cho học sinh những kỹ năng học tập và tư duy quan trọng, giúp các em dễ dàng thích nghi với môi trường đại học quốc tế. Các kỹ năng này bao gồm nghiên cứu, viết luận, thuyết trình và làm việc nhóm. Đây là những kỹ năng mà học sinh Việt Nam thường gặp khó khăn khi mới bắt đầu học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh và đòi hỏi tính tự chủ cao.
Tiến sĩ Jennifer Howard, Chủ nhiệm chương trình Dự bị Đại học tại RMIT Việt Nam, cho biết rằng RMIT cung cấp một hệ thống hỗ trợ đa dạng cho học sinh Dự bị Đại học, bao gồm cố vấn học thuật, các lớp phát triển tiếng Anh, các buổi workshop kỹ năng mềm và nhiều hoạt động cộng đồng khác. “Một chương trình tốt sẽ giúp học sinh xây dựng nền tảng học thuật vững chắc, đồng thời phát triển các kỹ năng tư duy phản biện, giao tiếp và nghiên cứu cần thiết cho bậc đại học,” bà nhấn mạnh.
Một khảo sát nội bộ của RMIT năm 2024 cho thấy điểm trung bình năm nhất của sinh viên đã học qua Dự bị Đại học cao hơn đáng kể so với những sinh viên nhập học thẳng chương trình cử nhân, với mức chênh lệch lên đến 31% ở một số ngành. Điều này cho thấy rõ những lợi ích mà việc chuẩn bị sớm mang lại.
Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ lo ngại về việc con em mình còn quá trẻ (17 tuổi) đã phải học tập như sinh viên đại học. Để giải quyết vấn đề này, chương trình Dự bị Đại học được thiết kế để giúp học sinh làm quen dần với phương pháp học tập mới một cách từ từ, tránh gây ra cảm giác choáng ngợp. Các môn học trong chương trình mô phỏng phong cách giảng dạy ở bậc đại học, bao gồm các dự án nhóm, nghiên cứu độc lập, thuyết trình và phản biện, nhưng vẫn có sự theo sát và hỗ trợ từ giáo viên để giúp học sinh dễ dàng hòa nhập.

Phương Linh, sinh viên năm nhất ngành Truyền thông tại RMIT Việt Nam, chia sẻ rằng em rất thích việc thầy cô luôn tận tình hướng dẫn và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc trong và ngoài giờ học. Lớp học có quy mô nhỏ nên các bạn sinh viên rất gắn bó, dễ dàng chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.
Bà Thu Trang, mẹ của Phương Linh, cũng ủng hộ con gái theo học chương trình Dự bị Đại học vì chương trình này không chỉ giúp con chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức mà còn tạo cơ hội cho con làm quen với cách học mới và rèn luyện tính tự lập. Bà Trang xem đây là một cầu nối quan trọng giữa môi trường giáo dục phổ thông và đại học. “Ở tuổi 17, con vẫn được ở gần gia đình, được thầy cô đồng hành sát sao trong quá trình chuẩn bị cho tương lai, dù là ở Việt Nam hay ở nước ngoài,” bà nói thêm.
Admin
Nguồn: VnExpress