Bình minh ở Hội An thường bắt đầu với hình ảnh quen thuộc: chị Trần Hạnh An nhẹ nhàng lướt qua những con đường làng yên bình, những mái ngói cổ kính, dọc theo bờ sông hoặc bãi biển. Không vội vã, không phô trương, chị chậm rãi tận hưởng không khí trong lành của buổi sớm mai.

Bắt đầu chạy bộ từ đầu năm 2024, ban đầu chị An chỉ đơn giản tìm kiếm một phương pháp rèn luyện sức khỏe, thư giãn và chăm sóc bản thân giữa bộn bề trách nhiệm của một người mẹ năm con, đồng thời là người sáng lập và điều hành Trường Quốc tế Hội An. Tuy nhiên, dần dần, chạy bộ đã trở thành một đam mê, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị, giúp rèn luyện sự bền bỉ cả về thể chất lẫn tinh thần.

“Với tôi, việc chăm sóc bản thân không phải là một điều gì đó xa xỉ, mà là nền tảng cho tình yêu thương. Từ đó, mình có thể gánh vác những điều quan trọng khác. Tôi tin rằng phụ nữ hiện đại có thể vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng, vừa chăm sóc người khác, vừa nuôi dưỡng chính mình”, chị An chia sẻ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 15 tháng, chị đã tham gia 15 giải chạy lớn nhỏ, từ đường bằng phẳng đến địa hình phức tạp, ở nhiều cự ly khác nhau và gặt hái được nhiều thành tích đáng nể:
* Nhất nữ chung cuộc: VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight 2024 (10km), Duy Sơn Trail (10km).
* Nhì nữ: La Vuông Trail (35km), Prenn Summit (55km), Ironman Relay (2024 và 2025), Tam Kỳ Marathon.
* Top 1 nhóm tuổi: Vietnam Mountain Marathon Sapa (50km).
* Top 2 nhóm tuổi: Giải địa hình quốc tế UTMB (50km).
Trong cuộc trò chuyện với VnExpress, chị Hạnh An nhấn mạnh rằng chị không chạy theo kiểu cạnh tranh, hơn thua mà muốn bản thân trở nên mạnh mẽ hơn mỗi ngày, đồng thời thử thách những giới hạn mà mình có thể vượt qua.
Với vai trò là một nhà giáo, chị An lan tỏa tinh thần thể thao vào đời sống học đường, không chỉ giới hạn ở Trường Quốc tế Hội An mà còn mở rộng ra toàn thành phố. Chị từng tổ chức chuỗi sự kiện FUN’d Fest – FUN’d Run nhằm gây quỹ cho trẻ em khiếm thính thuộc tổ chức Hearing & Beyond. Sự kiện này cũng khuyến khích học sinh, phụ huynh, giáo viên và người dân địa phương cùng chạy vì sức khỏe, tăng cường kết nối và chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, nữ CEO còn khởi xướng chiến dịch Run for Fund để gây quỹ hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chị An khẳng định rằng chạy bộ không chỉ là một hoạt động cá nhân mà còn là một công cụ giáo dục cảm xúc, rèn luyện ý chí và xây dựng tinh thần cộng đồng.
“Tôi luôn tâm niệm rằng bạn không cần phải là người giỏi nhất trên thế giới, nhưng bạn hoàn toàn có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Chạy bộ giúp tôi giữ được ngọn lửa nhiệt huyết giữa quá nhiều vai trò. Nó không hề lấy đi thời gian của tôi, mà ngược lại, nó mang đến cho tôi nguồn năng lượng bền bỉ mỗi ngày”, chị Hạnh An tâm sự.
Từ căn bếp nhỏ, những buổi sáng đưa con đến trường, đến những đoạn đường dốc phủ đầy sương ở Sa Pa hay những khu rừng mưa ở Malaysia, chị Hạnh An luôn duy trì nhịp sống “chậm nhưng chắc”: lắng nghe cơ thể, tôn trọng cảm xúc, bước từng bước một, dù nhanh hay chậm, dù thắng hay không… Điều quan trọng nhất là không bao giờ dừng lại.
“Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi, chênh vênh hay lạc lõng giữa những vai trò khác nhau, hãy thử bắt đầu bằng một hơi thở sâu, một buổi sáng với đôi giày chạy. Không ai có thể chạy thay bạn. Nhưng khi bạn bắt đầu, bạn sẽ cảm nhận được bản thân đang thay đổi, theo một cách rất riêng”, CEO Hạnh An nhắn nhủ.
Admin
Nguồn: VnExpress