Năm ngoái, một sự cố hy hữu đã xảy ra với KnowBe4, một công ty an ninh mạng của Mỹ, khi họ vô tình thuê phải một hacker từ xa. Kẻ này đã tìm cách cài mã độc vào hệ thống của công ty.
Theo đó, KnowBe4 đã đăng tin tuyển dụng vị trí kỹ sư phần mềm AI và tiến hành quy trình tuyển dụng bài bản, bao gồm phỏng vấn video, kiểm tra lý lịch, xác minh thông tin tham khảo và gửi thư mời làm việc. Tuy nhiên, ngay sau khi cấp máy Mac cho nhân viên mới, công ty đã phát hiện những hoạt động đáng ngờ, trong đó có việc tải mã độc lên hệ thống.
Điều tra nhanh chóng cho thấy “nhân viên mới” thực chất là một tin tặc đã đánh cắp thông tin cá nhân của một công dân Mỹ để ứng tuyển vào công ty. Mặc dù không bị xâm nhập dữ liệu, KnowBe4 coi đây là một bài học đắt giá về những thách thức trong việc xác thực danh tính trực tuyến.
Sự cố của KnowBe4 cho thấy một thực tế đáng lo ngại: việc xác thực danh tính trên mạng ngày càng trở nên khó khăn. Tình hình này được dự báo sẽ còn phức tạp hơn khi chatbot và các tác nhân AI (AI Agent) ngày càng được trao nhiều quyền hơn, như thực hiện các tác vụ hành chính trực tuyến hoặc tạo ra hình ảnh và video chân thực như người thật. Theo Financial Times, thế giới đang tiến gần đến một giai đoạn mà việc phân biệt giữa chatbot và người thật trên mạng là điều không thể.
Tờ Fortune cũng đưa tin về các mạng lưới tội phạm tinh vi sử dụng AI để tạo ra hàng nghìn sinh viên ảo đăng ký vào các trường học ở Mỹ. Những sinh viên “ma” này không chỉ chiếm chỗ của sinh viên thật mà còn chiếm đoạt hàng triệu đô la tiền hỗ trợ tài chính. Jordan Burris, Phó chủ tịch tại Socure, một công ty chuyên về xác minh và chống lừa đảo bằng AI, cho biết quy mô của vấn nạn này là “đáng kinh ngạc”. Ông tiết lộ rằng, trong cơ sở khách hàng của Socure, có tới 20-60% sinh viên đăng ký là ảo.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences năm 2024 cho thấy, thế hệ chatbot mới nhất, được trang bị các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), có khả năng giao tiếp tương đương hoặc thậm chí tốt hơn so với phần lớn con người. Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng các hệ thống hiện nay có thể vượt qua bài kiểm tra Turing, một bài kiểm tra đánh giá khả năng tư duy của máy móc tương tự như con người, khiến người dùng tin rằng họ đang tương tác với một người thật.

Ngay cả Mark Zuckerberg, CEO của Meta, cũng dự đoán rằng trong tương lai, con người “sẽ có nhiều bạn AI hơn bạn thật”. Ông cho rằng, “mọi người sẽ muốn có một hệ thống hiểu họ một cách sâu sắc nhất, và các thuật toán sẽ đáp ứng tốt yêu cầu này”.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia an ninh nhận định rằng người dùng Internet nên mặc định coi mọi đối tác trực tuyến là ảo, trừ khi họ có thể chứng minh được điều ngược lại. Điều này tạo ra nhu cầu cấp thiết về các giải pháp xác minh sự hiện diện thực sự, hay còn gọi là tính “sống động”, theo cách gọi của Andrew Bud, nhà sáng lập công ty xác thực sinh trắc học iProov.
iProov cung cấp hệ thống nhận dạng khuôn mặt thông qua điện thoại thông minh, sử dụng ánh sáng đa màu sắc chiếu vào khuôn mặt và phân tích phản xạ để xác minh danh tính trong vòng 2,5 giây. Công ty cho biết dịch vụ của họ đã được sử dụng hơn 100 triệu lần, với khách hàng là các chính phủ và các công ty dịch vụ tài chính.

Tương tự, Sam Altman, CEO của OpenAI, cũng đồng sáng lập Tools for Humanity, công ty phát triển thiết bị xác thực mống mắt Orb, một quả cầu trắng lớn tương đương quả bóng đá. Khi người dùng quét mắt, họ sẽ được công ty gửi World ID, một loại hộ chiếu kỹ thuật số toàn cầu, cùng với một khoản tiền điện tử Worldcoin trị giá khoảng 42 USD như một phần thưởng. Tính đến tháng 4, đã có khoảng 13,5 triệu người ở 23 quốc gia sử dụng Orb.
Trong một sự kiện ở San Francisco hồi đầu năm, Altman nhấn mạnh: “Chúng ta cần một cách để xác định và xác thực con người trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), để đảm bảo con người vẫn giữ vị trí đặc biệt và trung tâm”.
Admin
Nguồn: VnExpress