Nhiễm trùng xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và nguy hiểm tiềm ẩn

Xoang là các hốc rỗng chứa đầy không khí, nằm bên trong cấu trúc xương của vùng hàm mặt. Tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở lớp niêm mạc lót bên trong các hốc xoang được gọi là viêm xoang. Khi lớp niêm mạc này bị viêm, phù nề và tiết nhiều dịch nhầy do tác động của virus, vi khuẩn, nấm hoặc các yếu tố dị ứng, sẽ gây ra tắc nghẽn lỗ thông xoang.

Sự tắc nghẽn này khiến dịch ứ đọng lâu ngày trong xoang, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nhiễm trùng xoang. Lúc này, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm chất nhầy đặc có màu trắng, vàng hoặc xanh chảy từ mũi xuống phía sau họng, gây hôi miệng, nghẹt mũi, đau nhức và sưng tấy quanh mắt và mặt, suy giảm khả năng ngửi và nếm, mệt mỏi, sốt, đau tai và đau đầu.

Nhiễm trùng xoang cấp tính thường kéo dài dưới 4 tuần và có xu hướng cải thiện sau 7-10 ngày. Ngược lại, nhiễm trùng xoang mạn tính là tình trạng các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần và tái phát nhiều lần. Bất kỳ ai cũng có thể mắc nhiễm trùng xoang, nhưng những người có tiền sử viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn có nguy cơ cao hơn. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm việc tiếp xúc với khói thuốc lá, polyp mũi và sự thay đổi áp suất đột ngột (ví dụ khi đi máy bay hoặc lặn biển). Ngoài ra, các bất thường về giải phẫu như lệch vách ngăn mũi hoặc sự phát triển quá mức của cuốn giữa và cuốn dưới mũi cũng có thể gây nhiễm trùng xoang.

Nếu không được điều trị đúng cách hoặc để kéo dài, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Một trong những biến chứng phổ biến nhất là viêm nhiễm lan rộng đến vùng mắt và các cấu trúc xung quanh, gây viêm mô tế bào, viêm túi lệ và viêm tổ chức hốc mắt. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị áp xe hốc mắt, áp xe mi mắt hoặc viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Trong trường hợp nhiễm trùng xoang do vi khuẩn hoặc nấm, có khả năng lan đến xương sọ (gây viêm tủy xương) và não, dẫn đến viêm màng não, áp xe não hoặc não úng thủy. Những biến chứng này có thể để lại di chứng lâu dài như liệt nửa người, suy giảm nhận thức, liệt các dây thần kinh sọ, suy giảm thị lực và mất thính giác. Bệnh cũng có thể gây ra các biến chứng ở tai, chẳng hạn như viêm tai giữa, đặc biệt thường gặp ở trẻ em do cấu trúc ống vòi nhĩ của trẻ nằm ngang và ngắn hơn so với người lớn. Dịch nhầy từ xoang chảy xuống họng liên tục có thể gây viêm họng mạn tính và viêm amidan. Một biến chứng nặng nhưng ít gặp của viêm xoang nhiễm trùng là huyết khối tĩnh mạch xoang hang, có thể để lại di chứng vĩnh viễn như liệt vận nhãn, mù lòa và suy tuyến yên.

Phương pháp điều trị ban đầu cho nhiễm trùng xoang thường là điều trị nội khoa. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh tái phát thường xuyên, đã gây ra biến chứng, điều trị nội khoa không hiệu quả, hoặc có các bất thường về cấu trúc như lệch vách ngăn hoặc polyp mũi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.

Bác sĩ Phúc Anh nội soi mũi cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nội soi mũi: Quy trình và hình ảnh thực tế từ Bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Internet

Để phòng ngừa nhiễm trùng xoang, mỗi người nên hạn chế tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Tránh các tác nhân gây dị ứng như lông động vật và phấn hoa, không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh không khí ô nhiễm và bụi mịn, đồng thời sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà.

Nếu bạn có các triệu chứng như sốt, nghẹt mũi, đau họng, chảy dịch mũi hôi, sưng trán, sưng mắt hoặc nhìn mờ, hãy đến khám ngay tại chuyên khoa Tai Mũi Họng để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *