Theo CNBC, Starbucks đang xem xét bán một phần hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, với mức định giá cho mảng này ước tính khoảng 10 tỷ USD. Tập đoàn cà phê của Mỹ dự kiến sẽ giữ lại khoảng 30% cổ phần, trong khi phần còn lại sẽ được phân chia cho một nhóm các nhà đầu tư, mỗi bên nắm giữ dưới 30%. Thông tin này được đưa ra sau tuyên bố hồi tháng trước của Starbucks rằng họ không có kế hoạch bán toàn bộ hoạt động kinh doanh tại thị trường tỷ dân này.
Quá trình chào bán chính thức mảng kinh doanh tại Trung Quốc của Starbucks đã bắt đầu từ tháng 5 và thu hút sự quan tâm của gần 30 quỹ đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước.
Các quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu châu Á như Centurium Capital và Hillhouse Capital đang cạnh tranh với các đối thủ đến từ Mỹ như Carlyle Group và KKR & Co để có được cổ phần trong Starbucks Trung Quốc. Hiện tại, Starbucks đang trong quá trình đánh giá các đề nghị và xem xét cấu trúc thương vụ phù hợp nhất.

Starbucks gia nhập thị trường Trung Quốc vào năm 1999 và đã có một khởi đầu thuận lợi trong việc giới thiệu văn hóa cà phê đến một quốc gia vốn ưa chuộng trà. Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng trở nên khắt khe hơn và đặc biệt nhạy cảm về giá. Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy thị phần của Starbucks đã giảm đáng kể, từ 34% năm 2019 xuống còn 14%.
Hiện tại, Starbucks có khoảng 7.800 cửa hàng trên khắp Trung Quốc và đang nỗ lực giành lại thị phần đã mất. Hãng đã công bố đợt giảm giá đầu tiên vào tháng trước, mặc dù giá sản phẩm của họ vẫn cao hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh như Mixue hay Luckin Coffee. Tuy nhiên, theo Reuters, cạnh tranh về giá không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công.
Tại Trung Quốc, các công ty thuộc nhóm “tiêu dùng mới”, mà Mixue là một đại diện tiêu biểu trong ngành đồ uống, đang phát triển mạnh mẽ nhờ nắm bắt được xu hướng chi tiêu của giới trẻ. Nhóm này ưu tiên các giá trị vô hình như sự tiện lợi, trải nghiệm cá nhân hóa và yếu tố cảm xúc. Bên cạnh đó, Mixue còn nổi bật với chuỗi cung ứng vững mạnh, giúp họ cắt giảm chi phí và nhanh chóng tung ra các sản phẩm mới, cũng như thay đổi thiết kế cửa hàng chỉ trong vòng vài tuần.
Doanh số tại các cửa hàng của Starbucks tại Trung Quốc gần đây đã có dấu hiệu ổn định trở lại sau một giai đoạn suy giảm. Tuy nhiên, CEO Brian Niccol cho biết công ty cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, đồng nghĩa với việc tìm kiếm một đối tác hoặc nhà đầu tư nội địa có tư duy tương tự như Mixue, am hiểu sâu sắc về cách khai thác tâm lý “tiêu dùng mới” của giới trẻ Trung Quốc.
Admin
Nguồn: VnExpress